Tháng 5 vừa qua, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đã tổ chức công bố Chỉ số Par Index và Sipas của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021.
Kết quả, tỉnh Thái Nguyên xếp vị trí thứ 6/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số Par Index, xếp thứ nhất trong 14 tỉnh, thành phố khu vực trung du miền núi phía Bắc với tổng số 89,20 điểm (tương đương với 89,20% giá trị chỉ số), tăng 6 bậc so với năm 2020.
Đây là năm thứ năm liên tiếp tỉnh Thái Nguyên cải thiện thứ hạng Par Index (tăng 48 bậc so với năm 2016). Chỉ số Sipas của tỉnh năm 2021 cũng đạt tới 89,42%, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố và tăng 13 bậc so với năm 2020. Đây được xem là tín hiệu vui đối với một tỉnh nhiều năm trước đứng ở vị trí khiêm tốn trong bảng xếp hạng CCHC cả nước như Thái Nguyên.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, để có được kết quả khả quan này là do có sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở và sự nỗ lực của các sở, ngành, địa phương, trong đó có vai trò quan trọng của người đứng đầu.
Mặc dù vậy, thực tế cho thấy, việc triển khai ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa đạt yêu cầu đề ra, một số tiêu chí, tiêu chí thành phần của Par Index và Sipas ít được cải thiện hoặc bị mất điểm, giảm điểm.
Các chuyên gia cho rằng, càng ngày sự cạnh tranh thứ hạng các chỉ số CCHC giữa các bộ, ngành, địa phương càng gay gắt, quyết liệt. Nếu không có giải pháp tốt, mang tính đột phá để phục vụ yêu cầu ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp thì khó có thể duy trì được điểm số cũng như thứ hạng về CCHC.
Nhận thấy rõ điều đó, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng nhóm giải pháp cải thiện các chỉ số trên cơ sở khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong CCHC.
Tỉnh đề ra mục tiêu, duy trì và nâng cao kết quả thực hiện các tiêu chí, tiêu chí thành phần có điểm số cao, đồng thời khắc phục bằng được các tiêu chí, tiêu chí thành phần bị mất điểm hoặc có điểm số thấp. Phấn đấu, năm 2022 và các năm tiếp theo, Chỉ số Par Index và Sipas tăng cả về điểm số, thứ hạng so với năm trước.
Để làm được điều đó, các cấp, các ngành cần thực hiện nghiêm hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành của Trung ương, của tỉnh; phân công cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ thực hiện nhiệm vụ CCHC theo nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả” để khắc phục những hạn chế đã chỉ ra.
Tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính về CCHC.
Triển khai thực hiện các quy định của Chính phủ về sắp xếp, tổ chức bộ máy, tổ chức các cơ quan chuyên môn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện hiện đại trong giải quyết các thủ tục hành chính; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, đặc biệt là tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân; chấn chỉnh hiện tượng tổ chức, cá nhân phải nộp “thành phần hồ sơ ngoài quy định”, hiện tượng “nhũng nhiễu, tiêu cực” trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính…