Ông Mahinda Abeywardana cho biết Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã đồng ý từ chức vào tuần tới để bảo đảm cho một quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình.
Ngày 9-7, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã phải đi lánh nạn trong bối cảnh người biểu tình quá khích đã bao vây và tìm cách xông vào tư dinh của ông, nhằm yêu cầu ông từ chức.
Một nguồn tin quân đội Sri Lanka cho biết: "Tổng thống đã được hộ tống đến nơi an toàn" trong khi lực lượng an ninh đã bắn chỉ thiên để giải tán đám đông quá khích tràn vào Phủ Tổng thống.
Trước đó, cùng ngày, cảnh sát Sri Lanka đã phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông ở thủ đô thương mại Colombo. Trong cuộc biểu tình quy mô lớn này, hàng nghìn người đã tập trung đông nghịt trên những xe buýt, tàu hỏa và xe tải tới từ mọi miền trên khắp Sri Lanka để tiến về Colombo nhằm bày tỏ sự bất bình trước việc chính phủ không bảo vệ họ khỏi những tổn thất về kinh tế.
Sri Lanka đã trải qua nhiều tháng thiếu lương thực và nhiên liệu, mất điện kéo dài và lạm phát phi mã, sau khi cạn kiệt ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có tại quốc đảo này. Cảnh sát đã rút lại lệnh giới nghiêm được ban hành vào ngày 8-7, sau khi các đảng đối lập đe dọa sẽ kiện cảnh sát trưởng.
Giới chức Sri Lanka cho biết hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ đã phớt lờ lệnh cấm ra khỏi nhà và thậm chí đã gây sức ép buộc giới chức ngành đường sắt điều hành các chuyến tàu để đưa họ đến Colombo tham gia cuộc biểu tình ngày 9-7.
Trước tình hình trên, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe ngày 9-7 đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp của lãnh đạo các đảng phái chính trị ở nước này. Ông đồng thời yêu cầu Chủ tịch Quốc hội triệu tập cuộc họp tương tự để thảo luận về những diễn biến hiện nay.