Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) vừa phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội thảo tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV, AIDS trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tại tỉnh Bình Dương và Long An.
Hiện cả nước ước tính có khoảng 250.000 người nhiễm HIV có cả công nhân lao động. Tổng số người đang nhiễm HIV được báo cáo là 213.833 trường hợp, số tử vong lũy tích 110.990 trường hợp. Năm 2021, cả nước phát hiện thêm 13.223 trường hợp nhiễm HIV và 1.855 người nhiễm HIV/AIDS đã tử vong.
Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV có 84,8% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 16 đến 29 (46%) và 30 đến 39 (29%), đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (79,1%) và qua đường máu (9,9%). Như vậy, quan hệ tình dục không an toàn tiếp tục là đường lây chính trong lây nhiễm HIV và tỷ lệ này ngày càng tăng (từ 65,1% vào năm 2019 tăng lên 75,8 vào năm 2020 và hiện tại là 79,1%). Đáng chú ý, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy và phụ nữ mại dâm giảm nhưng tỷ lệ này trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. Theo số liệu giám sát trọng điểm HIV, năm 2014 tỷ lệ nhiễm HIV trung bình ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới là 6,7%, năm 2017 tỷ lệ này là 12,2%, và năm 2020 là 13,3%.
Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay. Đặc biệt là công nhân trong các khu công nghiệp (cá biệt có tỉnh chiếm đến 80% tổng số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện).
Ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, trong số người mới phát hiện nhiễm HIV là MSM, cho thấy có sự tập trung cao các đối tượng này trong công nhân tại các khu công nghiệp và sinh viên các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Để cảnh báo những nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM và cung cấp thông tin về HIV/AIDS cũng như các dịch vụ hiện có về xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP, điều trị ARV… đến lực lượng nam công nhân, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong CNVCLĐ đến hệ thống công đoàn địa phương và cơ sở.
Bình Dương là địa phương có đông dân trong đó có hơn 1 triệu công nhân lao động nhập cư từ các vùng miền. Đa số là lao động trẻ dưới 40 tuổi chiếm khoảng 70%, lao động ngoài tỉnh 85%, lao động nữ 56%. Môi trường làm việc chưa đảm bảo, ô nhiễm không khí, nguồn nước, tiếng ồn tại các doanh nghiệp hiện chưa được kiểm soát chặt chẽ. Trình độ văn hoá, nhận thức, kỹ năng sống của công nhân còn nhiều hạn chế, lại xa gia đình, tuổi đời còn trẻ, sinh sống ở các khu nhà trọ nên thiếu sự quản lý giáo dục từ phía gia đình, người thân. Vấn đề mất cân đối về giới tính trong 1 doanh nghiệp, 1 khu nhà trọ, 1 địa bàn dân cư, 1 ngành nghề là yếu tố nan giải phát sinh liên quan đến vấn đề đồng tính.
Theo đồng chí Lưu Thế Thuận - Trưởng Ban Tuyên Giáo nữ công LĐLĐ tỉnh Bình Dương, phần lớn các doanh nghiệp có từ 500 công nhân lao động trở lên trên địa bàn tỉnh đã có phòng y tế (khoảng 80%). Hầu hết các phòng y tế đều bố trí nhân viên y tế chuyên trách.
Hàng năm, có khoảng 400.000/tổng số 800.000 công nhân lao động nơi có tổ chức công đoàn được khám sức khỏe định kỳ theo quy định của pháp luật lao động (50%). Tuy nhiên, thực tế cho thấy gói khám sức khỏe định kỳ trung bình từ 80.000 đồng đến 200.000 đồng là chủ yếu. Rất ít có doanh nghiệp khám sức khỏe tổng quát cho công nhân với định mức trên 500.000 đồng.
Tại Long An, kể từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên phát hiện vào năm 1993, hiện Long An ghi nhận gần 5.000 người nhiễm và hơn 1.500 người tử vong. Những năm gần đây, số người nhiễm mới HIV trong tỉnh chủ yếu phát hiện trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, chiếm hơn 90% các trường hợp phát hiện, trong đó tập trung vào 2 nhóm đối tượng sinh viên - học sinh và người lao động ở các công ty, xí nghiệp.
TS. BS Cao Kim Thoa - Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV (Cục phòng, chống HIV/AIDS) cho biết, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM giang mai cao hơn từ 4 đến 8 lần (từ năm 2014-2020) so với những MSM không nhiễm giang mai. Tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM đã từng dùng ma túy cao hơn gấp 1,76 lần (2017) so với nhóm chưa từng sử dụng ma túy.
Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM đã từng tiêm chích ma túy cao gấp 2,67 lần đến 3,08 lần so với những MSM chưa từng tiêm chích ma túy. Tỉỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM có trình độ học vấn từ cấp 3 trở xuống cao gấp 1,35 lần (2020) những người có trình độ từ trung cấp/cao đẳng/đại học.
Trong thời gian tới để hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nơi làm việc đạt hiệu quả tốt hơn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Vũ Mạnh Tiêm đề nghị mỗi cán bộ công đoàn phải là một chiến sĩ và nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS vì người lao động. Các cấp Công đoàn phối hợp ngành y tế chăm lo tốt sức khỏe người lao động và quyết tâm hơn nữa để hoàn thành mục tiêu đề ra.