Cập nhật: Thứ tư 13/07/2022 - 17:41
Các đại biểu phát động cuộc thi viết "Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường" năm 2022.
Các đại biểu phát động cuộc thi viết "Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường" năm 2022.

Ngày 13-7, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phát động cuộc thi viết "Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường" năm 2022.

Cuộc thi sẽ lan tỏa tình cảm tốt đẹp của học sinh, sinh viên, phụ huynh học sinh đối với các thầy, cô giáo và nhà trường, góp phần nâng cao tính giáo dục, khơi gợi niềm tự hào của mỗi học sinh, sinh viên với trường, lớp, thầy cô; động viên, khuyến khích các thầy cô giáo vượt qua khó khăn, tiếp tục có những cống hiến cho ngành Giáo dục.

Cuộc thi được Bộ GD&ĐT tổ chức hằng năm nhằm ghi nhận, tôn vinh những thầy giáo, cô giáo đã đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới giáo dục và những cơ sở giáo dục có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy học và giáo dục học sinh.

Nội dung các tác phẩm dự thi viết về những ấn tượng sâu sắc về thầy, cô giáo mà tác giả yêu quý, ngưỡng mộ hoặc những tác động, ảnh hưởng đặc biệt của thầy cô giáo tới việc học tập, nhận thức, làm thay đổi cuộc sống của cá nhân tác giả. Những tình huống sư phạm tiêu biểu, điển hình và cách giải quyết các tình huống ấy của thầy cô giáo mà tác giả đã từng gặp hoặc trải qua, thể hiện qua năng lực nghề nghiệp, khả năng sáng tạo cũng như tình cảm của thầy cô giáo đối với học sinh, đối với nghề. Những kỷ niệm, những ấn tượng, tình cảm gắn bó sâu sắc đối với ngôi trường mà tác giả hoặc bạn bè, người thân của tác giả đã và đang theo học...

Đối tượng tham gia là công dân Việt Nam, có tác phẩm phù hợp với thể lệ của cuộc thi. Thành viên tham gia Ban Tổ chức và Ban Giám khảo của cuộc thi không được gửi tác phẩm tham dự.

Các tác phẩm dự thi viết bằng tiếng Việt, thể hiện dưới hình thức văn xuôi, mỗi tác phẩm tối thiểu 500 từ (hình ảnh, video minh họa kèm theo nếu có). Các tác phẩm dự thi chưa đăng tải trên sách báo, chưa công bố trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào hoặc gửi dự thi ở các cuộc thi khác do bộ, ngành Trung ương tổ chức tính đến ngày gửi đến Ban Tổ chức. Tác giả dự thi phải bảo đảm và chịu trách nhiệm về tính chân thực, chính xác về nhân vật và nội dung bài dự thi của mình. Ban Tổ chức không hạn chế số lượng tác phẩm dự thi của mỗi tác giả.

Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày phát động cuộc thi cho đến hết ngày 15/10/2022.

Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Mỗi năm có từ 60.000 đến 80.000 tác phẩm dự thi đã tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Điều đó đã khơi gợi được niềm tự hào, lòng kính yêu, sự tri ân của các thế hệ học sinh, sinh viên với thầy cô, với mái trường.

"Người Việt Nam có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Đề tài thu hút được sự tham gia đông đảo vì chạm vào tình cảm thiêng liêng, bền vững, sâu thẳm nhất của con người. Thành công sức lan tỏa cũng cho thấy cuộc thi đã được tuyên truyền, phổ biến rất tốt”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ.

Cơ cấu và giá trị giải thưởng:
Giải tập thể có 2 giải thưởng sẽ được trao cho các tập thể có nhiều tác phẩm dự thi đạt chất lượng tốt, bao gồm: Giấy chứng nhận do Bộ GD&ĐT cấp và 5.000.000 đồng/giải.
Giải cá nhân gồm 1 giải Nhất được nhận Bằng khen của Bộ trưởng GD&ĐT và 10.000.000 đồng/giải; 2 giải Nhì nhận Bằng khen của Bộ trưởng GD&ĐT và 8.000.000 đồng/giải; 3 giải Ba nhận Giấy chứng nhận giải thưởng cuộc thi do Bộ GD&ĐT cấp và 6.000.000 đồng/giải; 6 giải Khuyến khích nhận Giấy chứng nhận giải thưởng cuộc thi do Bộ GD&ĐT cấp và 3.000.000 đồng/giải; Giải thưởng phụ nhận Giấy chứng nhận do Bộ GD&ĐT cấp và 2.000.000 đồng/giải.


Theo nhandan.vn