Cập nhật: Thứ tư 13/07/2022 - 17:58
Người biểu tình tụ tập bên ngoài Văn phòng Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, ngày 13-7. (Ảnh: Reuters)
Người biểu tình tụ tập bên ngoài Văn phòng Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, ngày 13-7. (Ảnh: Reuters)

Ngày 13-7, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka, ông Mahinda Yapa Abeywardana, cho biết Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã chỉ định Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đảm nhận các chức trách và quyền hạn của tổng thống.

Trong tuyên bố, ông Abeywardana nêu rõ quyết định trên của ông Rajapaksa phù hợp với hiến pháp, trong bối cảnh tổng thống không ở trong nước.

Một số nguồn tin trước đó cho biết các thành viên chủ chốt của đảng Nhân dân Sri Lanka (SLPP) cầm quyền đã nhóm họp tối 12-7 và "nhất trí cao" rằng Thủ tướng Wickremesinghe sẽ thay thế Tổng thống Rajapaksa sau khi ông này từ chức. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Abeywardena khi đó cho biết chưa nhận được đơn từ chức của Tổng thống Rajapaksa. Theo kế hoạch, Quốc hội Sri Lanka sẽ bầu tổng thống mới vào ngày 20-7.

Tổng thống Rajapaksa đã rời Sri Lanka sau khi chịu nhiều sức ép từ những người biểu tình. Không quân Sri Lanka xác nhận ông Rajapaksa đã đến Maldives. Người biểu tình cũng yêu cầu Thủ tướng Wickremesinghe từ chức và ông Wickremesinghe khẳng định ông sẵn sàng từ chức để mở đường thành lập một chính phủ đoàn kết.

Chủ tịch Ủy ban bầu cử (EC) của Sri Lanka Nimal Punchihewa cho rằng trong bối cảnh hiện nay sẽ phải mất ít nhất 4 tháng để tổ chức một cuộc tổng tuyển cử ở nước này.

Tình trạng hỗn loạn chính trị hiện nay có thể làm phức tạp hơn nữa nỗ lực của Sri Lanka nhằm thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong 7 thập kỷ qua, xuất phát từ tình trạng thiếu ngoại tệ nghiêm trọng khiến nước này không thể nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu, thực phẩm và dược phẩm.


Theo TTXVN