Cập nhật: Thứ năm 14/07/2022 - 12:42
Ảnh minh họa. (Nguồn: chinhphu.vn)
Ảnh minh họa. (Nguồn: chinhphu.vn)

Theo dự báo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong thời gian tới, các ca mắc COVID-19 ở nước ta có thể gia tăng. Nguyên nhân là do số ca nhiễm biến thể phụ BA.5 (tốc độ lây lan nhanh hơn 12% so với BA.2) có thể được ghi nhận nhiều hơn trong cộng đồng.

Lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể phụ BA.2 đang phổ biến ở Việt Nam

Biến thể phụ BA.5 được ghi nhận đầu tiên tại Nam Phi vào tháng 1-2022 và nhanh chóng lây lan ở nhiều nước trên thế giới.

Biến thể phụ này chứa một số đột biến (L452R, F486V và R493Q) so với biến thể phụ BA.2. Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy có sự thay đổi đáng kể về đặc tính kháng nguyên so với hai dòng biến thể BA.1, BA.2 đang lây lan phổ biến.

Biến thể phụ này có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể phụ BA.2 (biến thể phụ phổ biến tại Việt Nam hiện nay). Đến nay chưa có bằng chứng cho thấy biến thể phụ BA.5 có độc lực cao hơn, gây bệnh nặng hơn các biến thể cũ trước đây.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, các vắc-xin được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả các biến thể vi rút SARS-CoV-2 (bao gồm cả biến thể phụ BA.5). Do đó, WHO khuyến cáo các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc-xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ bệnh trở nặng.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã phát hiện biến thể phụ BA.5 như: Đức, Bỉ, Pháp, Áo, Italia, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Na Uy, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Anh, Mỹ, Canada, Úc, Israel, Pakistan, Singapore, Indonesia, Philipines, Thái Lan, Brunei... Ở Nam Phi, tỷ lệ mắc biến thể phụ này đã tăng từ dưới 1% vào tháng 1-2022 lên 20% vào cuối tháng 4 vừa qua. Đến nay, Nam Phi là nước có tỷ lệ nhiễm biến thể phụ BA.5 lớn nhất.

Hiện nay, WHO đã đưa dòng biến thể phụ BA.5 vào danh sách cần giám sát. Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa và dịch bệnh Châu Âu (ECDC) bước đầu nhận định biến thể phụ BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều nước châu Âu và gia tăng tại một số nước trong những tuần gần đây và khuyến cáo các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc-xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm.

Số ca nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể ghi nhận nhiều hơn trong cộng đồng

Tại Việt Nam, ngày 15-6 qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Bạch Mai đã phát hiện 3 trường hợp có nhiễm biến thể phụ BA.5.

Theo thông tin điều tra bước đầu từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai xác định 3 ca nhiễm này ghi nhận trong cộng đồng, là người dân Việt Nam trong cùng gia đình, tự đến kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Bạch Mai ngày 26-5 và được lấy mẫu xét nghiệm.

Theo lãnh đạo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, hiện Bộ Y tế đã chỉ đạo các viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur tổ chức điều tra và giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.5 cũng như các biến thể khác. Qua báo cáo của hệ thống giám sát, biến thể BA.2 vẫn là biến thể chủ đạo trong cộng đồng.

Qua theo dõi trong thời gian vừa qua, xu hướng dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc nhìn chung vẫn giảm, tuy nhiên những ngày gần đây có chững lại ở khoảng 600-700 ca mắc trong ngày; số trường hợp nặng, tử vong tiếp tục giảm. Trong 30 ngày qua, tỷ lệ chết/mắc là 0,02%, trong đó số mắc giảm 4,5 lần và số tử vong giảm 10 lần so với tháng trước đó, có 24 ngày cả nước không ghi nhận ca tử vong.

Cục Y tế Dự phòng nhận định, trên thế giới, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều quốc gia và có khả năng tiếp tục xâm nhập vào Việt Nam; đồng thời nước ta cũng đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.5 trong cộng đồng, do đó trong thời gian tới các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể ghi nhận nhiều hơn trong cộng đồng ở nước ta. Như vậy, số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới do sự xuất hiện của biến thể phụ BA.5.

Tốc độ gia tăng số mắc hàng ngày của COVID-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như bản chất của biến thể về khả năng lây nhiễm (vi rút SARS-CoV2 thường xuyên biến đổi, không ổn định); khả năng bảo vệ miễn dịch (mắc phải hoặc do tiêm vắc-xin) giảm theo thời gian và độ bao phủ vắc-xin; khối cảm nhiễm; khả năng đáp ứng và các biện pháp phòng, chống của Việt Nam.

Cục Y tế dự phòng cho rằng khó dự báo được mức độ tăng cụ thể trong thời gian tới. Tuy nhiên, số liệu báo cáo từ các nước châu Âu, Nam Phi khi biến thể phụ BA.5 xuất hiện thì mức độ lây lan nhanh với tốc độ tăng số mắc hàng ngày của biến thể phụ BA.5 khoảng 12-13% so với biến thể BA.2 và sẽ từng bước thay thế biến thể phụ BA.2.

TNĐT (b/s)