Cập nhật: Chủ nhật 17/07/2022 - 07:23
Du khách thắp hương tại khu mộ 10 cô gái TNXP (Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc).
Du khách thắp hương tại khu mộ 10 cô gái TNXP (Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc).

Tháng Bảy, trời miền Trung nắng nóng như đổ lửa nhưng không ngăn nổi dòng người thành kính đến thăm viếng Ngã ba Đồng Lộc. Hòa cùng dòng người, tôi lặng lẽ quan sát, lắng nghe thuyết minh để mường tượng về một vùng đất khói lửa, huyền thoại năm xưa.

Vâng! Ngã ba Đồng Lộc, cái tên đã trở thành thân quen với rất nhiều người dù chưa một lần đến đây - nơi đã ghi dấu sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong (TNXP) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Ngã ba Đồng Lộc thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh qua dãy Trường Sơn, là giao điểm Quốc lộ 15A và Tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh.

Vào những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải đi qua ngã ba này. Ngã ba Đồng Lộc nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên là núi trọc, giữa là con đường độc đạo. Chính sự hiểm yếu và quan trọng này mà không quân Mỹ liên tục đánh phá Đồng Lộc nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân dân ta hướng về chiến trường miền Nam ruột thịt. Sự bắn phá của quân Mỹ đã biến nơi này trở thành “tọa độ chết”.

Chỉ tính riêng 240 ngày đêm (từ tháng 3 đến tháng 10-1968), không quân Mỹ đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại. Để giữ vững huyết mạch giao thông, quân và dân ta cũng huy động tối đa nguồn lực để bảo vệ Ngã ba Đồng Lộc. Lúc cao điểm ở đây có tới 1,6 vạn người, chủ yếu là bộ đội pháo binh và lực lượng TNXP phá bom để mở đường.

Nguyễn Thị Châm, cô gái xứ Nghệ xinh đẹp, có giọng thuyết minh sâu lắng, vận trang phục màu xanh áo lính, đội mũ tai bèo, đi dép quai hậu như thể các chị TNXP ngày ấy, dẫn chúng tôi đến hố bom, nơi 10 cô gái TNXP năm xưa bị chôn vùi. Giọng Châm nấc nghẹn: Đó là vào trưa ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 TNXP thuộc Đại đội 2, Tổng đội TNXP 55 của tỉnh Hà Tĩnh gồm 10 cô gái được giao nhiệm vụ san lấp hố bom và sửa đường thông xe sau đợt thả bom của máy bay địch. Tới khoảng 17h ngày 24/7/1968, trận bom thứ 15 dội xuống Đồng Lộc, một quả bom rơi trúng hầm nơi các cô trú ẩn. “Tiếng bom ngớt, 5 phút, rồi 10 phút trôi qua không thấy các cô gái lao ra san lấp hố bom tiếp như mọi khi, đồng đội đã tỏa đi tìm. Nhưng họ mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa ai trong số họ lập gia đình”.

Nghe đến đây, tôi đã khóc! Nhìn mọi người xung quanh cũng vậy, ai nấy mắt đều rưng lệ. Càng xúc động và xót thương khi nghe tấm gương hy sinh của chị Hồ Thị Cúc. Đồng đội đã tìm thấy 9 chị, nhưng 3 ngày sau mới tìm thấy chị Cúc trong tư thế ngồi ngả bên chiếc cuốc, đầu đội nón. Đặc biệt, mười đầu ngón tay của chị bị trầy xước, bầm tím. Nhiều người phỏng đoán, có lẽ khi bị đất đá vùi sâu dưới đáy hầm, chị đã dùng 10 đầu ngón tay của mình cố bới đất tìm đường sống và để tiếp tục nhiệm vụ cao cả của người chiến sĩ...

Tri ân những con người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, 10 cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng.

Ngã ba Đồng Lộc được mệnh danh là “tọa độ chết” năm xưa nay đã bao phủ một  màu xanh của những cánh rừng thông bạt ngàn. Nhà nước xây dựng quần thể Khu di tích rộng gần 50ha, với nhiều hạng mục, như: Nhà trưng bày truyền thống; tượng đài 10 cô gái TNXP; tượng đài chiến thắng; Nhà bia tưởng niệm Liệt sĩ TNXP toàn quốc… Ngã ba Đồng Lộc là địa điểm hành hương tâm linh, không gian tưởng niệm linh thiêng thu hút đông đảo người dân, du khách đến thắp hương thăm viếng.

Sông Hương