Ông Dương Lê Phẩm (bí danh Lê Tuấn) năm nay 95 tuổi, hiện cư trú tại phường Châu Sơn, thành phố Sông Công. Ông là người cả cuộc đời cống hiến trong ngành Công an. Năm 1962 ông là Phó Trưởng Công an thành phố Thái Nguyên. Năm 1967 ông chi viện cho An ninh miền Nam trên cương vị Phó Tiểu ban Điệp báo đặc khu Quảng Đà (nay là Quảng Nam – Đà Nẵng).
Ngay sau ngày giải phóng miền Nam, tháng 6 năm 1975, ông ra Bắc làm Trưởng Công an thành phố Thái Nguyên. Ông nhớ lại: Ngày ấy, trong điều kiện và bối cảnh còn vô vàn khó khăn, thiếu thốn của thời chiến, cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố Thái Nguyên đã không quản ngại hy sinh gian khổ, mưu trí dũng cảm, sáng tạo, kiên quyết đấu tranh chống các loại tội phạm và đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.
Từ năm 1965, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” đưa thêm quân vào miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc. Vận mệnh Tổ quốc đứng trước những thử thách cực kì nghiêm trọng. Chống Mỹ cứu nước trở thành nhiệm vụ thiêng liêng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Công an thành phố triển khai phương án phòng không sơ tán, chuyển mọi hoạt động sang thời chiến, vừa tổ chức lực lượng nắm tình hình, vừa sẵn sàng chiến đấu.
Quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ về ý thức cảnh giác, các chế độ công tác được cụ thể hóa theo tình huống chiến tranh. Làm tốt công tác xây dựng lực lượng từ chính quy đến cơ sở, từ chuyên trách đến bán chuyên trách, xây dựng thế trận an ninh nhân dân làm trong sạch địa bàn, làm mất chỗ dựa địch có thể lợi dụng hoạt động chống phá.
Trong cuộc chiến tránh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, thành phố bị máy bay địch đánh phá dữ dội, nhất là các trọng điểm như khu Gang thép, ga Lưu Xá, các khu phố trung tâm, cầu Gia Bảy, nhà máy điện, các tuyến giao thông… Công an là lượng chủ chốt đảm bảo an ninh trận tự, hướng dẫn nhân dân sơ tán đến nơi an toàn, tổ chức canh gác, giải tỏa giao thông và chữa cháy, cứu người, cứu tài sản.
Giữa đạn bom, nhiều cán bộ, chiến sĩ không quản ngại nguy hiểm, hy sinh, dũng cảm cứu người bị nạn. Hành động dũng cảm, sẵn sàng xả thân để bảo vệ tính mạng tài sản của các bộ, chiến sĩ là biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa Anh hùng cách mạng, tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Căn cứ thực tiễn trong chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, Công an thành phố đã chỉ đạo công an xã, bảo vệ dân phố thực hiện nội dung phong trào “Bảo vệ trị an”. Tham mưu xây dựng quy ước bảo vệ xóm làng để mọi người cùng thực hiện. Phối hợp xậy dựng “Làng chiến đấu” với khẩu hiệu “Mỗi người dân là một chiến sĩ kiên cường, mỗi làng là một pháo đài thép, mỗi hợp tác xã, mỗi khu phố là một đơn vị sản xuất, chiến đấu giỏi”. Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp xây dựng kế hoạch “Bảo mật phòng gian, bảo vệ cơ quan an toàn”. Tăng cường đấu tranh, khám phá nhanh các vụ án, trừng trị tội phạm thu hồi tài sản cho Nhà nước và nhân dân, góp phần phòng ngừa, hạn chế tội phạm, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chủ động triển khai phương án phản gián.
Bằng sự mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, các cán bộ Công an thành phố đã mở các đợt thẩm tra nội bộ, tổ chức tấn công truy quét các đối tượng làm tay sai cho địch, đánh bại mọi âm mưu, phương thức và thủ đoạn của kẻ thù. Ngoài công tác chuyên môn, cán bộ, chiến sĩ còn tích cực lao động tăng gia sản xuất (tự túc một phần lương thực thực phẩm) như: Nuôi lợn, trồng rau xanh, lạc, sắn, mía, chuối… Cải tạo nhà ở, nơi làm việc.
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ công an, xác định rõ mục tiêu, lý tưởng “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, Công an thành phố có 19 cán bộ, chiến sĩ tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ chi viện cho An ninh miền Nam, trong đó 02 đồng chí đã anh dũng hy sinh, 03 đồng chí để lại một phần xương máu nơi chiến trường. Trong suốt thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước, tất cả các vụ án gián điệp, phạm pháp hình sự đều được xử lí triệt để. Mọi thế lực thù địch và các đối tượng hoạt động chống phá đều bị nghiêm trị.
Một trong những người bám địa bàn làm nhiệm vụ phá án là Thượng tá Lưu Công Dư, nguyên Chánh Thanh tra Công an tỉnh, năm nay ông 79 tuổi, hiện sinh sống tại phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên. Trong suốt thời kì chiến tranh ác liệt nhất, ông là chiến sĩ Đội Cảnh sát hình sự Công an thành phố.
Cũng giống như những cựu cán bộ công an tôi đã gặp, ông Dư rất ý tứ, không muốn nói về mình. Ông cho rằng mỗi chiến công đều có sự phối hợp của tất cả đồng đội. Mọi suy nghĩ và hành động của cán bộ, chiến sĩ đều vì cuộc sống bình yên của nhân dân và mục tiêu, lý tưởng của dân tộc.
Thời kỳ ấy, điều kiện thực hiện nhiệm vụ còn thiếu thốn, chưa có các trang thiết bị. Mỗi khi xảy ra các vụ án, các chiến sĩ cũng chỉ chụp ảnh, đo vẽ hiện trường và bằng các biện pháp nghiệp vụ phá án… Nhiều cán bộ, chiến sĩ lấy đồn, lấy địa bàn trọng điểm là nhà như đồng chí Phan Thanh Hà, chiến sĩ Đồn Công an Lưu Xá giữa lúc máy bay địch oanh tạc, vẫn lao tới nơi chúng trút bom cứu sống một cháu nhỏ tại kho gạo và bị thương; đồng chí Phan Thanh Truyền, chiến sĩ Cảnh sát giao thông không có trận bom nào anh không có mặt để cứu người bị nạn và đảm bảo giao thông; đồng chí Nông Danh Hạ, Đồn trưởng Công an Đồng Bẩm, khi máy bay Mỹ ném bom cầu Gia Bảy đã chạy bộ tới để cấp cứu người bị nạn…
Theo bước chân lực lượng Công an thành phố năm xưa, tôi đã tới các địa điểm đặt Đồn Công an Lưu Xá, Trại Cau, Trung Tâm, Quan Triều… để tận thấy nơi đóng quân và hiểu thêm phần nào cuộc sống, chiến đấu trong những năm tháng ấy. Nhiều câu chuyện cảm động về cán bộ, chiến sĩ công an vẫn được những người dân cao tuổi kể lại với sự trân trọng.
Đối mặt với hiểm nguy, lòng tin và ý chí các cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố đã kết tinh thành sức mạnh như một mật lệnh tối thượng hun đúc khát vọng cống hiến.
Thời gian lăn qua vết chân chim đuôi mắt, những trái tim vẫn như ngân vọng bản hùng ca thời hoa lửa, truyền cảm hứng cho thế hệ hôm nay và mai sau.