Nhiều mô hình hay
Du lịch cộng đồng được hiểu là hoạt động của một cộng đồng dân cư tham gia làm du lịch, hay nói cách khác đây là loại hình du lịch trong đó cộng đồng địa phương tham gia vào chuỗi cung ứng và quản lý du lịch. Loại hình này được phát triển trên cơ sở văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, du lịch cộng đồng đang mang lại nhiều lợi ích trong phát triển kinh tế bền vững cho người dân bản địa.
Hiện tại, nhiều địa phương có những mô hình du lịch cộng đồng khá thành công, trong đó nổi bật là ở những tỉnh miền núi phía Bắc: Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Quảng Ninh… Rất nhiều bản du lịch cộng đồng có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút nhiều du khách nội địa và quốc tế, như: Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, Sì Thâu Chải (tỉnh Lai Châu); làng du lịch cộng đồng Lô Lô Chải, Pả Vi, Du Già (tỉnh Hà Giang); bản du lịch cộng đồng Bản Hồ, Cát Cát (tỉnh Lào Cai)...
Sau dịch Covid-19, nhu cầu du lịch trải nghiệm của du khách thay đổi, thiên về gần gũi thiên nhiên, đi theo nhóm nhỏ, vì thế loại hình du lịch cộng đồng phát triển mạnh mẽ với nhiều mô hình sáng tạo. Điển hình như tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn người dân làng chài ven biển làm dịch vụ đưa du khách đi tham quan làng chài Cửa Vạn. Tỉnh Thanh Hóa hình thành nhiều làng du lịch cộng đồng mới của dân tộc Thái tại Pù Luông, bản Mạ. Tại Tuyên Quang, nhiều khu du lịch cộng đồng mới của người Tày ở Lâm Bình được hình thành, tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách.
Ở Hà Nội, du lịch cộng đồng cũng là thế mạnh đang được khai thác. Bên cạnh những khu du lịch cộng đồng nổi tiếng: Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), chùa Hương (huyện Mỹ Đức)..., Hà Nội cũng hình thành các điểm du lịch cộng đồng mới: Du lịch gắn với nông nghiệp tại xã Ba Trại, hay du lịch chăm sóc sức khỏe tắm lá thuốc của người Dao thuộc huyện Ba Vì…
Phát huy sức mạnh cộng đồng
Mặc dù xu hướng du lịch cộng đồng đang được phát triển khá mạnh mẽ, song không phải địa phương nào cũng thành công. Không ít điểm du lịch cộng đồng sau khi hình thành nhưng không có khách ghé thăm hoặc khách chỉ đến một lần và không muốn quay lại.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Trịnh Thị Mỹ Nghệ, nhiều mô hình du lịch cộng đồng không thu hút được du khách do phát triển manh mún, tự phát, thiếu sự định hướng quy hoạch của chính quyền địa phương. Còn theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng, không ít khu du lịch cộng đồng sau thời gian phát triển đã không giữ được cảnh quan thiên nhiên, bị bê tông hóa, thậm chí bản sắc văn hóa của người dân bản địa cũng bị mai một.
Để du lịch cộng đồng phát triển bền vững, ông Phùng Quang Thắng cho rằng, yếu tố quan trọng nhất vẫn phát huy được sức mạnh, ý chí của cộng đồng dân cư bản địa trong việc đồng thuận cùng làm du lịch. Để làm được điều này, chính quyền địa phương cần có định hướng, quy hoạch rõ ràng những khu, điểm du lịch có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, từ đó có chiến lược, kế hoạch hướng dẫn, đào tạo bà con các kỹ năng làm du lịch, dịch vụ.
Về vấn đề này, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam Phạm Hải Quỳnh cho hay, để cố kết được cộng đồng, các địa phương cần phải có chiến lược phát triển chung trong việc chia sẻ lợi ích kinh tế, tạo việc làm cho người dân; hài hòa được yếu tố phát triển với giữ gìn bản sắc văn hóa, cảnh quan.
“Vừa qua, Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam phối hợp với tổ chức phi chính phủ của Anh - Helvetas thực hiện lớp tập huấn, đào tạo cho các học viên là người dân tộc thiểu số đến từ Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế về cách làm du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ, phát triển sinh thái. Người dân cần phải biết cách làm du lịch đúng cách, giữ gìn bản sắc văn hóa, đặc sản địa phương để thu hút du khách”, ông Phạm Hải Quỳnh chia sẻ.
Tại Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội cũng có kế hoạch phát triển các sản phẩm du lịch mới, trong đó định hướng cho các địa phương phát huy giá trị văn hóa, du lịch của làng nghề, sự tham gia của người dân trong phát triển du lịch. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Sở đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều buổi tập huấn, trau dồi kỹ năng mềm về văn hóa ứng xử, giao tiếp cho người dân; nâng cao chất lượng dịch vụ tại các điểm đến để phát triển du lịch bền vững, hiệu quả, góp phần thu hút du khách đến với Thủ đô nhiều hơn.