Theo AFP, một người đàn ông 41 tuổi ở Brazil đã tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ, đánh dấu ca tử vong đầu tiên vì căn bệnh này bên ngoài châu Phi. Báo chí địa phương cho biết, người đàn ông này có vấn đề nghiêm trọng về hệ miễn dịch, đã tử vong ở Belo Horizonte, thủ phủ của bang Minas Gerais, miền đông nam Brazil, hôm 28-7.
Bộ Y tế Brazil cho biết thêm, bệnh nhân đã được đưa đến bệnh viện ở phía đông nam thành phố Belo Horizonte và tử vong vì sốc nhiễm trùng. Bộ Y tế Brazil đã ghi nhận gần 1.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, chủ yếu ở các bang Sao Paulo và Rio de Janeiro, cũng nằm ở phía đông nam của đất nước. Nước này phát hiện trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ vào ngày 10-6, ở người đàn ông từng đi du lịch châu Âu.
Trong khi đó, ngày 29-7, Tây Ban Nha đã báo cáo trường hợp tử vong đầu tiên do bệnh đậu mùa khỉ ở châu Âu. Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết, trong số 3.750 bệnh nhân mà họ có thông tin, 120 người đã phải nhập viện và 1 người tử vong. Người phát ngôn Bộ Y tế Tây Ban Nha từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết về trường hợp bệnh nhân đã qua đời.
Trước đó, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 22-7, chỉ có 5 trường hợp tử vong do đậu mùa khỉ được báo cáo trên toàn thế giới, tất cả đều ở châu Phi. Một ngày sau đó, WHO tuyên bố sự bùng phát, lan rộng nhanh chóng của bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Đây cũng là mức báo động cao nhất của tổ chức này.
Theo WHO, hơn 18.000 ca mắc đã được phát hiện trên khắp thế giới bên ngoài châu Phi kể từ đầu tháng 5. Bệnh đậu mùa khỉ đã được phát hiện ở 78 quốc gia với 70% trường hợp được xác định ở châu Âu và 25% ở châu Mỹ, theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Hiện Mỹ là một trong những nước có diễn biến lây lan bệnh đầu mùa khỉ phức tạp trên thế giới. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã có kế hoạch đưa bệnh đậu mùa khỉ thành bệnh phải khai báo trên toàn quốc. Quyết định này dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-8.
Cho tới nay, Mỹ đã ghi nhận khoảng 5.200 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó 1.345 ca ghi nhận ở bang New York. Theo Sputniknews, ngày 29-7, Thống đốc bang New York Kathy Hochul đã ban bố tình trạng khẩn cấp bang về dịch bệnh do sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ. Trước đó, giới chức San Francisco cũng đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp để ứng phó với đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ tại thành phố này, trong bối cảnh nguồn cung vaccine thiếu hụt.
Tuyên bố tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép chính quyền địa phương huy động thêm nguồn lực và nhân viên để đối phó với đợt bùng phát mới nhất này. San Francisco hiện được cho là tâm chấn của Mỹ về bệnh đậu mùa khỉ, với số ca mắc hiện chiếm tới 30% tổng số ca bệnh ở California.
Các tổ chức y tế địa phương ở San Francisco đang tích cực vận động với hy vọng được tiếp cận dễ dàng hơn với xét nghiệm và vaccine. Cho đến nay, San Francisco đã nhận được 8.200 liều Jynneos-loại vaccine tốt nhất phòng bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, số lượng họ mong muốn có được là 35.000 liều. Người dân phải xếp hàng dài chờ đợi do nguồn cung khan hiếm. Tình trạng khan hiếm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ cũng xảy ra ở nhiều bang của nước Mỹ.
Tình trạng khan hiếm vaccine cũng đang xảy ra ở châu Phi, nơi có tỷ lệ mắc và tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ cao nhất thế giới. Theo The Telegraph, giới chức y tế châu Phi mới đây đã chỉ trích tình trạng bất bình đẳng về vaccine trong ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ ở quy mô toàn cầu. Người dân châu Phi vẫn chưa thể được tiêm vaccine đậu mùa khỉ, bất chấp số ca tử vong do căn bệnh này tại châu Phi cao gấp 15 lần các khu vực khác trên thế giới.
Ông Ahmed Ogwell, Giám đốc CDC châu Phi cho biết, thực tế hiện nay giống với thời kỳ các quốc gia tranh giành vaccine ngừa COVID-19. Do các nước phát triển đặt hàng với số lượng lớn, các nước châu Phi khó có thể mua vaccine cho mình.
Trong bối cảnh đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus mới đây cho biết, thế giới có 16 triệu liều vaccine đậu mùa khỉ nhưng phải mất nhiều tháng để sẵn sàng sử dụng do chúng vẫn ở dạng thô, chưa được đóng lọ.