Sau hơn 1 tháng xuống giống, đến nay, diện tích lúa mùa sớm của bà con nông dân đã bén rễ và vươn lên xanh tốt. Bà Nguyễn Thị Sinh, ở xóm Núi, xã Dương Thành (Phú Bình), chia sẻ: Trước đây, năm này qua năm khác, chúng tôi chỉ cấy giống lúa U17 mà không dám đổi sang các giống mới vì sợ mất mùa. Tuy nhiên, từ khi được cán bộ khuyến nông "cầm tay chỉ việc", áp dụng đúng theo quy trình sản xuất đã được tập huấn, năng suất lúa đã tăng lên rõ rệt, từ 1,8 tạ/sào lên 2,2-2,5 tạ/sào. Bà con cũng không còn “ngại” cấy các giống lúa mới nữa mà đã đưa vào đồng ruộng nhiều loại giống cho năng suất, chất lượng cao, như: J02, ADI28, TBR225, Thiên ưu 8...
Không chỉ riêng gia đình bà Sinh, nhiều hộ nông dân khác trong tỉnh cũng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống, bằng việc đưa các giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao vào sản xuất tập trung. Đây chính là kết quả của việc hỗ trợ sản xuất do UBND tỉnh triển khai. Cụ thể, chỉ tính riêng năm nay, tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ giá giống lúa chất lượng đối với vùng sản xuất lúa tập trung, mức hỗ trợ 30 nghìn đồng/sào, diện tích hỗ trợ 10.200ha/năm. Cơ cấu giống lúa được hỗ trợ gồm các giống lúa lai: TH3-5, TH3-7, B-TE1, HKT99, VT404, MHC2, Syn98 và các giống lúa thuần như: J02, TBR225, BQ, DQ11, ADI28, TH8, HDT10, HD11, nếp Vải, nếp Thầu dầu…
Nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng với sự vào cuộc tích cực của cơ quan chuyên môn, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã thay đổi thói quen sản xuất. Những giống lúa dài ngày, hay bị đổ, bị bạc lá trong vụ trước đã được thay thế bằng các giống có năng suất, có sức chống chịu sâu bệnh, chất lượng gạo dẻo, thơm ngon, được thị trường ưa chuộng.
Sản phẩm gạo ADI28 của phường Đắc Sơn (TP. Phổ Yên) đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Cùng với hỗ trợ giá giống, trong quá trình triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa, ngành Nông nghiệp cũng phối hợp với các địa phương chỉ đạo bà con nông dân tuân thủ đúng lịch và khung thời vụ, cơ cấu giống. Bởi đây là yếu tố quan trọng để giành thắng lợi trong sản xuất.
Ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế TP. Phổ Yên, cho biết: Trước khi vào vụ, chúng tôi đều hướng dẫn bà con khung thời vụ gieo cấy, đồng thời chuẩn bị các điều kiện về nguồn nước, giống, vật tư nông nghiệp sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, như: Gieo cấy lúa theo phương pháp cải tiến SRI, 3 giảm - 3 tăng; sử dụng phân bón cân đối, an toàn và hiệu quả, tưới nước tiết kiệm, điều tiết nước hợp lý ở từng thời kỳ sinh trưởng, áp dụng biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp IPM…
Năm nay, nguồn nước, vật tư cơ bản đảm bảo cho sản xuất. Trong vụ mùa, bà con nông dân trong tỉnh đã gieo cấy được 38,3 nghìn ha lúa (giảm 1,9% so với cùng kỳ); 4,1 nghìn ha ngô (tăng 4,9% so với cùng kỳ) và 3,2 nghìn ha rau các loại (giảm 2,1% so với cùng kỳ), đảm bảo đúng khung thời vụ.
Ông Triệu Đức Nghĩa, Trưởng phòng Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật), thông tin: Vụ mùa, cây lúa sinh trưởng và phát triển trong điều kiện thời tiết nắng nóng, lại hay gặp mưa bão nên rất dễ mắc bệnh bạc lá, lép hạt. Vì vậy, Chi cục đã khuyến cáo người dân không gieo cấy giống lúa đã bị nhiễm bệnh bạc lá ở các vụ trước, đặc biệt quan tâm đến chế độ bón phân cân đối, không bón thừa đạm để hạn chế sự phát triển gây hại của bệnh bạc lá và khô vằn. Ngoài ra, bà con cũng được hướng dẫn khâu làm đất trước khi cấy, kết hợp xử lý đất bằng vôi bột, các chế phẩm sinh học để phân hủy nhanh gốc rạ, hạn chế ngộ độc hữu cơ và bệnh nghẹt rễ trên lúa. Hiện nay, diện tích lúa mùa và các loại cây trồng như: Ngô, rau… đang sinh trưởng, phát triển tốt.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, với những giải pháp về cơ chế, chính sách cùng sự vào cuộc tích cực của cơ quan chuyên môn, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Hiện nay, diện tích lúa năng suất, chất lượng, lúa đặc sản toàn tỉnh đạt gần 28 nghìn ha, chiếm 40% diện tích. Nhờ vậy, góp phần đưa năng suất lúa bình quân toàn tỉnh từ 53,37 tạ/ha (năm 2017) lên 55,86 tạ/ha (năm 2021); giá trị sản xuất trên 1ha đất trồng trọt tăng từ 91,4 triệu đồng/ha (năm 2017) lên đạt 117,8 triệu đồng/ha (năm 2021).
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất lúa đặc sản có giá trị kinh tế cao, như: Nếp Thầu Dầu ở huyện Phú Bình; gạo J02, Bao Thai ở huyện Định Hóa; nếp Vải ở huyện Phú Lương... Một số sản phẩm gạo bán ra thị trường đã được các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư có bao bì, nhãn mác và được tiêu thụ tại các chuỗi cửa hàng, siêu thị như: Nếp Vải của Hợp tác xã nông sản an toàn Ôn Lương (Phú Lương); gạo ADI28 của phường Đắc Sơn (TP. Phổ Yên); gạo VNR20 của Chi nhánh vật tư nông nghiệp TP. Phổ Yên...
Không chỉ phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về năng suất, sản lượng, hiện nay, nhiều hộ nông dân đã bắt tay liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo. Từ đó, góp phần hình thành một số vùng sản xuất lúa tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới sản xuất hữu cơ, gắn với cấp mã số vùng trồng để đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu.