Cập nhật: Chủ nhật 07/08/2022 - 06:16
Trong tháng 7 và tháng 8, toàn tỉnh có hơn 20.000 suất quà được trao tặng cho nạn nhân chất độc da cam.
Trong tháng 7 và tháng 8, toàn tỉnh có hơn 20.000 suất quà được trao tặng cho nạn nhân chất độc da cam.

Chiến tranh đã lùi xa, hận thù được khép lại, nhưng nỗi đau da cam vẫn là niềm day dứt khôn nguôi. Dù biết không gì bù đắp nổi, nhưng với mong muốn phần nào đó làm dịu vơi nỗi đau da cam, các cấp, ngành và mọi người dân trong tỉnh luôn đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ bằng vật chất, tinh thần, tiếp thêm nghị lực để nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) đủ nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Trong chiến tranh, những người lính “Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”… vì một nền hòa bình, tự do cho dân tộc. Kết thúc chiến tranh, những người lính may mắn được trở về quê hương, phấn chấn với khúc khải hoàn. Nhưng nhiều người không biết trong cơ thể mình đang mang theo thứ hóa chất độc hại do đế quốc Mỹ trải xuống chiến trường miền Nam từ năm 1961 đến 1971. Để rồi, dù sống trong hòa bình nhưng họ lại đeo đẳng một nỗi đau - nỗi đau da cam.

Bà Phạm Thị Nhi, 70 tuổi, xóm Bắc Thành, xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên), là một minh chứng về nỗi đau mang tên da cam. Chồng bà là cựu chiến binh Nguyễn Văn Hùng. Ông xuôi tay thua cuộc vì nhiều căn bệnh hiểm nghèo. Ông bỏ lại cho bà 4 người con trai khỏe ăn, khỏe chửi song không biết làm công việc gì giúp mẹ. Bà Nhi chia sẻ: Dù sao, tôi cũng còn may mắn hơn nhiều phụ nữ khác. Chí ít các con tôi còn biết tự vệ sinh cá nhân.

CĐDC đã khiến bao con người rơi vào tình cảnh đau đớn đến tột cùng cả thể xác lẫn tinh thần. Ông Hoàng Đức, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh Thái Nguyên đã không ít lần chia sẻ với chúng tôi như thế. Tôi ngậm ngùi: Vết thương nào trên da thịt rồi cũng lành. Nhưng vết thương da cam không mang hình hài viên đạn, song giống thứ ác quỷ vô hình cứ lặng lẽ gặm nhấm trong dòng máu nạn nhân.

Ông Dương Văn Lực, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin huyện Phú Bình nói day dứt: Một địa phương nhỏ bé như Phú Bình cũng có gần 1.400 nạn nhân đang hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chưa kể số nạn nhân chưa được công nhận. Khổ nhất là 160 trường hợp sinh ra sau ngày đất nước thống nhất, không biết đến khói đạn chiến tranh, nhưng là nhân chứng về di hại của một cuộc chiến.

Cán bộ, hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Đồng Hỷ trao đổi kinh nghiệm nuôi ong mật.

Hiện, toàn tỉnh có gần 14.000 nạn nhân CĐDC, trong đó, gần 9.400 trường hợp đang được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, bao gồm hơn 8.100 nạn nhân trực tiếp, gần 1.300 nạn nhân gián tiếp.

Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên luôn coi trọng, tích cực tổ chức, thực hiện có hiệu quả các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có công với nước, trong đó có nạn nhân CĐDC.

Hành động chung tay xoa dịu nỗi đau da cam vừa là tình thương yêu, trách nhiệm, đồng thời tiếp thêm nghị lực để nạn nhân CĐDC không buông bỏ cuộc sống, vươn lên.

Bà Dương Thị Lợi, xóm An Miên, xã Thành Công (TP. Phổ Yên), kể: Gia đình tôi có 3 thế hệ là nạn nhân CĐDC, gồm chồng tôi, con trai tôi và cháu nội. Một năm vài bận tôi đưa chồng, con, cháu đi bệnh viện. Trong khó khăn, gia đình tôi luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền, bà con chòm xóm.

“Tối lửa tắt đèn có nhau”, tình người làm ấm lại bao phận đời gian khó. Ví như trường hợp của anh Nguyễn Văn Thông, xóm Phú Thanh, xã Thanh Ninh (Phú Bình). Anh là nạn nhân gián tiếp. Khi biết anh đang phải sống trong ngôi nhà tạm, các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm đã đến hỗ trợ số tiền gần 70 triệu đồng để anh làm lại ngôi nhà ở.

Ở Định Hóa, xã Điềm Mặc, ông Nguyễn Văn Rượng, xóm Bản Bắc, nói: Gia đình tôi có 3 người thì tôi và con gái đang hưởng trợ cấp nạn nhân CĐDC. Ngôi nhà gia đình tôi ở được xây từ những tấm lòng vàng.

Để giúp đỡ nạn nhân CĐDC vơi bớt khó khăn, Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tích cực huy động, vận động các nguồn lực ủng hộ Quỹ. Để từ đó có thực lực chia sẻ trực tiếp cho nạn nhân, thân nhân nạn nhân cả vật chất, tinh thần.

Trong năm 2021, Hội vận động được hơn 3,6 tỷ đồng xây dựng Quỹ. Đồng thời, Hội vận động ủng hộ không qua Quỹ được hơn 5,5 tỷ đồng. Các “Mạnh Thường Quân” chủ động mua quà, hỗ trợ tiền trực tiếp cho nạn nhân vào các dịp lễ, Tết, ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 và Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam 10-8. Quỹ nội bộ cơ sở cũng vận động được hơn 1,3 tỷ đồng để hội viên cơ sở luân phiên vay phát triển kinh tế.

Trong cả năm, Hội đã trao tặng hơn 23.000 suất quà; hỗ trợ 40 trường hợp nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ 22 nạn nhân điều trị bệnh hiểm nghèo; hỗ trợ 27 hộ về nhà ở; gần 200 hộ được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; 7 trường hợp nạn nhân đi lại khó khăn được tặng xe lăn. Sang hết 6 tháng đầu năm 2022, thông qua tổ chức Hội, các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm trong, ngoài tỉnh đã ủng hộ cho nạn nhân CĐDC tổng giá trị quy thành tiền gần 4,7 tỷ đồng...

Đã non nửa thế kỷ chấm dứt chiến tranh. Nhưng nhiều thứ bệnh hiểm nghèo "khởi nguồn" từ cuộc chiến đã lấy đi phần sức lực già nua của những người lính cũ. Đau đớn hơn là mỗi ngày thức dậy, nhìn thấy các con ngơ ngác, lê lết, gào thét… Trong hoàn cảnh ấy, có nhiều người lính vượt lên nỗi đau, vươn lên trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương. Nhưng phần nhiều trong số họ cần nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước; sự chia sẻ về vật chất, tinh thần của mọi người trong cộng đồng xã hội để phần nào xoa dịu nỗi đau mang tên da cam.

Phạm Ngọc Chuẩn