Đi thực tế tại vườn nhãn ở các xã: La Hiên, Tràng Xá, Phú Thượng, Lâu Thượng… (Võ Nhai), chúng tôi quan sát thấy bà con đang khẩn trương thu hoạch trái ngọt sau một năm vất vả chăm sóc. Bà Nguyễn Thị Nhung, ở xóm Hiên Minh, xã La Hiên, chia sẻ: Nhà tôi có 7 sào nhãn miền, được trồng quanh nhà. Để cây nhãn sai quả, năm nào cũng vậy, sau khi thu hái xong, chúng tôi đốn tỉa cây để giảm độ cao. Sau đó, bón phân, tưới nước, khoanh gốc tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây.
Năm ngoái, nhà tôi thu hoạch được 5 tấn quả, bán với giá trung bình 12 nghìn đồng/kg, thu về 60 triệu đồng. Năm nay, do thời tiết mưa, lạnh kéo dài nên nhãn ra quả muộn hơn mọi năm từ 10-15 ngày. Ngoài ra, do mưa nhiều vào thời điểm cây ra hoa nên tỷ lệ đậu quả kém, sản lượng nhãn của gia đình tôi bị giảm khoảng 20% so với năm ngoái. Mặc dù vậy nhưng giá nhãn lại không bằng được năm ngoái. Hiện nhãn nhà tôi bán tại vườn chỉ đạt giá trung bình từ 8-10 nghìn đồng/kg.
Trao đổi với chúng tôi, chị Triệu Thị Luyến, Trưởng xóm Hiên Minh, cho biết: Vài năm trước, cả xóm có hơn 13ha trồng nhãn, nhưng do giá cả bấp bênh nên giờ chỉ còn trên 3ha, bà con đã chuyển đổi sang trồng cây na. Hiện nay, hầu hết các nhà vườn đều có lái buôn trong và ngoài tỉnh tìm đến thu mua theo giá thỏa thuận. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, nhãn chín nếu không thu hoạch đúng thời điểm sẽ bị nứt, giảm độ ngon ngọt. Bên cạnh đó, thời tiết mưa nhiều cũng ảnh hưởng đến chất lượng quả. Vì thế, bà con thường cắt tỉa quả bán dần, cây nào chín trước, bán trước.
Bà Nguyễn Thị Nhung, ở xóm Hiên Minh, xã La Hiên (Võ Nhai) kiểm tra vườn nhãn chuẩn bị cho thu hoạch.
Đối với nhiều hộ dân trồng nhãn ở các xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên) và Quân Chu (Đại Từ) cũng như một số địa phương nằm dưới chân núi Tam Đảo, năm nay là một vụ thất thu do nhãn đậu quả ít, chỉ đạt từ 20-30% sản lượng so với mọi năm.
Đơn cử như tại vùng nhãn Khe Đù, xã Phúc Thuận, nổi tiếng với giống nhãn miền, quả to, cùi dày, vị ngọt sắc được khách hàng ưa chuộng. Khoảng 3 năm trở lại đây, cây ít quả, giảm sản lượng đáng kể. Anh Nguyễn Văn Thắng, Trưởng xóm Khe Đù, nói: Toàn xóm hiện có khoảng 80ha nhãn ghép. Năm nay, sản lượng của bà con chỉ đạt khoảng 30%, nhiều nhà còn không được thu. Đây cũng là năm thứ 3 bà con trồng nhãn chúng tôi thất thu, mặc dù vẫn mất công chăm sóc, bón phân. Nguyên nhân chúng tôi xác định là do thời tiết mưa nhiều bất thường khiến hoa nhãn bị rụng, quả non cũng bị thối. Trước thực trạng trên, chúng tôi rất mong các cơ quan chuyên môn đến kiểm tra, kiểm nghiệm các chỉ tiêu mẫu đất, mẫu nước, mẫu hoa để đưa ra kết luận chính xác, giúp bà con ổn định sản xuất, phát triển kinh tế.
Về vấn đề này, ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế TP. Phổ Yên, thông tin: Trước thực trạng diện tích nhãn của bà con xóm Khe Đù, xã Phúc Thuận, không đậu quả hoặc đậu quả rất ít, thời gian tới, chúng tôi sẽ đề nghị Trung tâm quan trắc môi trường (Sở Tài Nguyên và Môi trường) về lấy mẫu nước mưa để kiểm nghiệm, đánh giá các chỉ tiêu. Từ đó, tìm ra giải pháp giúp người dân khắc phục.
Theo thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp và PTNT, Thái Nguyên hiện có khoảng 1.500ha nhãn (giảm 150ha so với năm 2018), sản lượng thu hoạch năm 2021 đạt trên 9.200 tấn. Tuy nhiên, sản lượng năm nay được dự báo sẽ giảm khoảng 50%. Ngoài ra, một nhược điểm của cây nhãn ở Thái Nguyên là diện tích lớn, song nhiều cây đã già cỗi, giống nhãn lai tạp nhiều khiến chất lượng quả không đồng đều.
Vì vậy, thời gian qua, ngành chức năng và chính quyền các địa phương trong tỉnh đã khuyến khích người dân tiến hành cắt, ghép, loại bỏ những cây nhãn già cỗi, kém chất lượng và trồng thay thế các giống nhãn chín sớm, chín muộn có chất lượng để rải vụ, giảm áp lực cho thị trường, góp phần tăng hiệu quả kinh tế. Chỉ tính riêng năm 2022, tỉnh đã hỗ trợ giá cây nhãn giống với diện tích 36ha, với tổng số tiền trên 930 triệu đồng. Ngoài ra, Thái Nguyên cũng có chính sách hỗ trợ chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm… trên một số diện tích trồng nhãn.
Cùng với na, bưởi, cây nhãn nằm trong quy hoạch phát triển các vùng chuyên canh cây ăn quả chủ lực của tỉnh. Do đó, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cây ăn quả, như: Kỹ thuật cắt tỉa, tạo tán, khoanh vỏ, kích thích ra hoa, chống rụng quả. Đồng thời, khuyến khích bà con sản xuất các loại cây ăn quả theo hướng VietGAP, hữu cơ gắn với xây dựng thương hiệu. Cùng với đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất thực hiện liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gắn với chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.