Buổi sáng ngày đầu tuần tháng 8, có dịp đến công tác tại Phòng Chính trị, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Bình Định, tôi ấn tượng về một nữ chiến sĩ gương mặt xinh xắn, tác phong nhanh nhẹn, đang hối hả xử lý tập hồ sơ, tài liệu cao ngang tầm mắt. Công việc nhiều, khẩn trương, nhưng cô gái luôn thường trực nụ cười trên môi, ánh mắt thân thiện, dễ mến.
Đợi nữ chiến sĩ biên phòng-Binh nhất Nguyễn Song Kiều Trâm vãn công việc, tôi chủ động làm quen, trò chuyện. Sau giây phút e ngại, Kiều Trâm thổ lộ, quê em ở thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Em vẫn nhớ như in mỗi khi được nghỉ phép về thăm nhà, bố vẫn mặc nguyên bộ quân phục màu xanh đã ngả màu thời gian. Và lần nào cũng vậy, Trâm đều chạy ra tận cổng đón bố, thích thú vân vê từng chiếc cúc áo bố đang mặc, ngôi sao trên mũ bố đội trên đầu, rồi ngây thơ hỏi: “Bố ơi, sau này lớn, con muốn được làm bộ đội như bố được không?”.
Học hết THPT, nữ sinh Nguyễn Song Kiều Trâm bày tỏ nguyện vọng nhập ngũ vào quân đội, nhưng mẹ cô bé động viên nên học xong đại học, sau đó xung phong vào bộ đội cũng chưa muộn. Thế rồi, niềm ao ước bấy lâu của Trâm trở thành hiện thực khi em trúng tuyển nghĩa vụ quân sự và lên đường nhập ngũ vào tháng 2-2021. Trước khi vào bộ đội, Trâm đã tốt nghiệp Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh, đồng thời đi làm với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng.
“Có người khuyên em, con gái không nên vào bộ đội, vừa vất vả, vừa thiệt thòi, trong khi mình đã có công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Nhưng em vẫn quyết định nhập ngũ, bởi ngoài tình yêu, sự trân trọng dành cho người chiến sĩ, động lực lớn khiến em xung phong vào bộ đội chính là bố của em, một tấm gương phấn đấu không ngừng, từ một chiến sĩ binh nhất, binh nhì như em bây giờ, trở thành một sĩ quan cao cấp. Em mong được cống hiến sức trẻ của mình cho quân đội. Đó cũng là mong mỏi của gia đình em”-Nguyễn Song Kiều Trâm nhẹ nhàng chia sẻ.
Nguyện vọng tha thiết ấy của nữ chiến sĩ đất võ Bình Định cũng là ước muốn của không ít hạ sĩ quan, chiến sĩ ở đơn vị cơ sở mà chúng tôi có dịp gặp gỡ trong quá trình tác nghiệp. Chuyến công tác đến các đơn vị thuộc Quân đoàn 4 mới đây, tôi được lắng nghe những tâm sự gan ruột của nhiều chiến sĩ trẻ đã có bằng cử nhân, kỹ sư, có việc làm thu nhập khá trước khi nhập ngũ.
Khi hỏi đến mong muốn của bản thân, phần lớn các bạn trẻ đều có chung nguyện vọng được cống hiến tâm huyết, trí tuệ và tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp xây dựng quân đội, xây dựng đơn vị.
Ví như trường hợp Binh nhất Vũ Thanh Huy, chiến sĩ Tiểu đội 6, Trung đội 8, Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, quê ở khu phố 1, phường Tam Bình, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Trước khi vào bộ đội, Huy đã tốt nghiệp cử nhân điều dưỡng, làm tại Bệnh viện TP Thủ Đức. Huy bày tỏ, được phục vụ lâu dài trong quân đội, Huy sẽ không ngừng trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, đem hết kiến thức, kinh nghiệm, tâm huyết của mình cho công tác chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân.
Còn Trung sĩ Lâm Trường Phúc, tiểu đội trưởng pháo binh Tiểu đội 6, Trung đội 2, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Pháo binh 434 thì mong muốn được đem hết khả năng hội họa của mình để trang hoàng cho đơn vị bằng những bức tranh tuyên truyền, phong phú, sinh động, thiết kế hệ thống biển bảng xây dựng chính quy bảo đảm bền đẹp, thống nhất.
Tốt nghiệp Khoa Mỹ thuật, Trường Đại học Văn Lang, Lâm Trường Phúc viết đơn tình nguyện nhập ngũ, trong lòng ấp ủ bao dự định, vừa mong được rèn luyện, trưởng thành trong môi trường quân ngũ, vừa hy vọng sẽ có cơ hội được tuyển dụng phục vụ lâu dài trong quân đội, như ước mơ cháy bỏng trong Phúc từ những năm mới là học sinh THCS.
Gặp gỡ, trò chuyện với những binh nhất, binh nhì ở đơn vị cơ sở, mới thấy trong tâm hồn các bạn trẻ cũng ấp ủ biết bao mơ ước, dự định trong thời gian tại ngũ. Có người mong muốn được phục vụ quân đội lâu dài, có chiến sĩ lại muốn hòa mình vào môi trường quân ngũ để bản thân được trưởng thành, chín chắn hơn, có thể đương đầu với mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống sau này.
Chúng tôi có suy nghĩ, các bạn trẻ ở đơn vị cơ sở, ai cũng thường trực trong mình những ước mơ, hoài bão, dự định riêng cho bản thân. Do đó, việc nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bộ đội, giúp định hướng nghề nghiệp, nuôi dưỡng tâm hồn, khát vọng cho chiến sĩ là tình cảm, trách nhiệm không thể thiếu của cấp ủy, chỉ huy ở đơn vị cơ sở.