Xóm Ba Nhất, xã Phú Thượng (Võ Nhai) hiện có 210 hộ với trên 900 nhân khẩu, trong đó gần 90% là đồng bào dân tộc Dao. Đầu tháng 8 vừa qua, niềm vui đã đến với bà con nơi đây khi mạng 4G được phủ sóng toàn bộ địa bàn xóm.
Ông Lý Văn Sinh, Bí thư Chi bộ xóm Ba Nhất phấn khởi cho biết: Trước đây không có sóng viễn thông nên việc tiếp cận với thông tin của người dân gặp nhiều hạn chế. Trong công tác tuyên truyền cũng vậy, mỗi khi có cuộc họp, cán bộ xóm phải đi đến tận từng hộ dân để thông báo, mất nhiều thời gian. Vừa qua, xóm được lắp 1 trạm thu, phát sóng của mạng Viettel nên việc liên lạc của bà con thuận lợi hơn, người dân có thể gọi điện, nhắn tin thông qua ứng dụng Zalo.
Em Lê Thu Hằng, một học sinh trong xóm, cho hay: Nhà em ở cuối xóm, vì thế trước đây trong thời gian học online do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 em phải đến nhà người quen cách gần 5km để học. Nhưng hiện nay ngồi tại nhà em cũng có thể kết nối được sóng 4G phục vụ việc học tập.
Cùng chung niềm vui với người dân với xóm Ba Nhất là bà con đồng bào dân tộc Mông ở 3 xóm Lũng Luông, Lũng Hoài, Lũng Cà thuộc xã Thượng Nung (Võ Nhai). Trong những năm qua, được sự đầu tư của Nhà nước, đời sống của người dân nơi đây đã dần được nâng cao.
Tuy nhiên, đây vẫn là những "vùng lõm” thông tin do các xóm nằm cách xa trung tâm xã, địa hình chia cắt bởi các dãy núi đá. Nhằm khắc phục tình trạng này, thời gian vừa qua, Viettel Thái Nguyên và Mobifone Thái Nguyên đã khảo sát và lắp đặt các trạm phát sóng viễn thông tại xóm Lũng Hoài và Lũng Luông. Qua đó đã có 206 hộ dân với 1.226 nhân khẩu ở 3 xóm được tiếp cận với sóng 4G.
Ông Đào Văn Mình, Trưởng xóm Lũng Luông cho biết: Qua hệ thống mạng viễn thông, bà con trong xóm có điều kiện để nắm bắt được nhiều hơn thông tin của xã, huyện và những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt qua đây người dân có thể học hỏi được những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, những mô hình kinh tế hiệu quả để áp dụng vào sản xuất.
Sau khi xóm được phủ sóng mạng 4G, anh Lý Văn Giàng ở xóm Lũng Luông đã tham gia vào các nhóm chăn nuôi trâu, bò trên mạng Facebook để thuận lợi cho việc mua, bán trâu, bò của gia đình.
Nhằm xóa những “vùng lõm” viễn thông trên địa bàn tỉnh trong năm 2022, từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng và các địa phương đã tích cực phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông như Viettel Thái Nguyên, VNPT Thái Nguyên, Mobifone Thái Nguyên... lắp đặt 70 trạm BTS, trong đó tập trung nhiều ở xóm đặc biệt khó khăn tại các huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, Định Hóa.
Ông Lưu Quang Tuấn, Trưởng Phòng Hạ tầng, Viettel Thái Nguyên, chia sẻ: Trong năm 2022, Viettel dự định sẽ triển khai lắp đặt 34 trạm BTS, hiện nay đã có 4 trạm đã đi vào hoạt động và phục vụ sóng điện thoại, sóng 4G cho hơn 1.000 hộ dân. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ tiếp tục lắp đặt và đưa vào hoạt động khoảng 30 trạm nữa trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo 95% người dân được tiếp cận với sóng 2G, 3G, 4G.
Việc phát triển mạng lưới các trạm BTS nhằm mở rộng diện phủ sóng cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ là hết sức cần thiết. Qua đó góp phần thúc đẩy chuyển đổi số ở những vùng khó khăn của tỉnh, nhằm phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, tạo tiền đề đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số...