Hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh ở các tỉnh ưu tiên
Dự án EPIC - Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam là thỏa thuận hợp tác 5 năm (2020-2024), giữa Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US.CDC) và Cục Phòng, chống HIV/AIDS (VAAC), Bộ Y tế Việt Nam trong khuôn khổ Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống AIDS (PEPFAR).
Dự án hỗ trợ Việt Nam đạt được sự kiểm soát dịch bệnh ở 6 tỉnh ưu tiên được lựa chọn vào năm 2020; tăng cường năng lực của Bộ Y tế/ Cục Phòng, chống HIV/AIDS, để duy trì và mở rộng các dịch vụ phòng ngừa, chăm sóc và điều trị HIV có chất lượng cho người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV/ đối tượng chủ chốt (KP) thông qua hỗ trợ cung cấp dịch vụ trực tiếp (DSD), đặc biệt là ưu tiên tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, bao gồm cả giới thiệu và nhân rộng các sáng kiến, mô hình và công nghệ mới; phát triển và duy trì mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật phòng chống HIV/AIDS ở cấp quốc gia, khu vực và cấp tỉnh…
Trong giai đoạn 2020 - 2024, dự án EPIC hỗ trợ Việt Nam: Xây dựng/áp dụng và triển khai các mô hình, hoạt động đổi mới (về dự phòng HIV, xét nghiệm HIV…) nhằm đạt được các mục tiêu 90-90-95 ở 6 tỉnh ưu tiên được lựa chọn (Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Long An, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Bên cạnh đó, mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị điều trị nhiễm HIV/AIDS thông qua việc xây dựng/áp dụng và mở rộng các mô hình, hoạt động đổi mới có liên quan đến điều trị nhiễm HIV/AIDS; Tăng cường hệ thống theo dõi và giám sát trong phòng, chống HIV/AIDS và sử dụng dữ liệu HIV/AIDS của Việt Nam; Thể chế hóa và triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật về phòng, chống HIV/AIDS ở các tuyến.
Kiểm soát tốt lây nhiễm HIV trong cộng đồng
Tại Long An, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, lây nhiễm HIV trong những năm gần đây chủ yếu là qua đường tình dục và chủ yếu trong nhóm nam nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Cụ thể: Tỉ lệ lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn năm 2018 là 63,7%; năm 2019 là 79,2%, và năm 2021 tăng lên tới 94,7%. Số người nhiễm HIV trong nhóm MSM tăng mạnh, từ 16,2% (năm 2018) lên 69,9% (năm 2021). Riêng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, số người nhiễm HIV trong MSM được phát hiện là 67,9%.
Tại Bà Rịa -Vũng Tàu, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng cho biết, lây truyền HIV qua đường tình dục chiếm 79,9%. Tỉ lệ người nhiễm HIV là nam giới (75,7%) cao hơn nữ giới (24,3%). Nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), tỉ lệ nhiễm HIV có chiều hướng tăng mạnh từ 2,2% (năm 2012) lên 15,3% (năm 2016), 18,7% (năm 2017), 16,5 % (năm 2018) và 41,85% (năm 2020).
Nhìn chung, cả hai tỉnh đều có xu hướng lây nhiễm gia tăng trong quan hệ tình dục, đặc biệt tăng trong nhóm MSM. Do đó, nhờ được ưu tiên triển khai dự án EPIC từ năm 2018, cả hai tỉnh Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu đã đẩy mạnh được các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, kiểm soát tốt lây nhiễm HIV trong cộng đồng, đặc biệt trong nhóm MSM.
Bên cạnh đó, hai tỉnh cũng tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS như: Tăng cường các hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS; tích cực tìm ca nhiễm HIV mới trong cộng đồng để đưa vào điều trị ARV (thuốc kháng virus) ngay; tư vấn xét nghiệm HIV sớm, mở rộng điều trị ARV, điều trị PrEP (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV) và tiếp tục triển khai các hoạt động can thiệp, giảm hại…
Quyết tâm nâng tầm đạt được mục tiêu 95-95-95
Đối với việc thực hiện mục tiêu 90-90-95, ước tính đến tháng 6/2022, Long An đã triển khai thực hiện và đạt được tỉ lệ 88,4% người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh; 91,9% bệnh nhân hiện đang được điều trị ARV và 98,3% người điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện. Về kết quả điều trị PrEP, tính đến tháng 6, số khách hàng hiện đang điều trị là 781 người.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, kết quả thực hiện mục tiêu 90-90-95 đã đạt được đến 30/6 là 95-88-98. Tuy nhiên độ bao phủ xét nghiệm tải lượng virus chỉ đạt 32%. Để đạt được các chỉ số trên, Bà Rịa – Vũng Tàu đã tăng cường các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS. Hoạt động truyền thông được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh trong đó truyền thông nhiều nhất là nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và các nhóm đối tượng nguy cơ cao (nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới, người nhiễm HIV và bạn tình của các nhóm này). Bên cạnh đó là các hoạt động tư vấn xét nghiệm, chuyển gửi, điều trị dự phòng phơi nhiễm cũng được đẩy mạnh.
Cơ bản đến tháng 6/2022, ngành y tế Long An đạt được các chỉ tiêu đã đặt ra, điển hình là chỉ tiêu PrEP và chỉ tiêu K=K đạt được theo tiến độ của dự án. Các chỉ tiêu hoạt động can thiệp, giảm hại của tỉnh cũng đạt được một số kết quả tôt vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó hoạt động tiếp cận và cung cấp bơm kim tiêm sạch cho 1.004 người nghiện chích ma túy (154%); bao cao su cho 580 phụ nữ bán dâm (48,3%); chất bôi trơn cho 1.455 MSM (104%). Tuy nhiên, hiện Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn đang gặp khó khăn vì thiếu nguồn nhân lực làm công tác phòng, chống HIV/AIDS; ảnh hưởng do một số dịch bệnh khác và khó khăn trong triển khai cung cấp dịch vụ xét nghiệm tải lượng virus, cung ứng thuốc, BHYT, bảo đảm về kinh phí.
Một số giải pháp chung ngành y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đưa ra là: Tăng cường phát hiện mới người nhiễm HIV và kết nối với điều trị HIV; giám sát dịch tễ học HIV/AIDS chặt chẽ và đáp ứng y tế công cộng; tăng cường truyền thông chương trình, bơm kim tiêm (BKT), bao cao su (BCS), chất bôi trơn, Methadone; tăng cường tiếp cận, tư vấn khách hàng có nguy cơ sử dụng dịch vụ PrEP; tăng cường phát hiện, chuyển gửi bệnh nhân mới, nâng cao chất lượng điều trị; bảo đảm, lồng ghép hoạt động khám, chữa bệnh HIV/AIDS qua nguồn BHYT.
Đưa ra phương hướng để thực hiện tốt hơn nữa dự án EPIC, từ nay đến cuối năm Long An đẩy mạnh tiến độ thực hiện mục tiêu 90-90-95 với quyết tâm nâng tầm đạt được mục tiêu 95-95-95. Bên cạnh đó, triển khai cơ sở xét nghiệm khẳng định HIV tại Trung tâm Y tế huyện thủ Thừa; tổ chức các khoa đào tạo về tiếp cận tìm ca, tư vấn xét nghiệm HIV, theo dõi giám sát, can thiệp giảm tác hại, chăm sóc điều trị HIV. Triển khai cấp phát sinh phẩm xét nghiệm qua trang web và qua hệ thống nhà thuốc, của hàng tiện lợi. Triển khai ước tính quần thể trên nhóm MSM. Và triển khai hoạt dộng Đáp ứng Y tế công cộng.
ThS. BS. Cao Kim Thoa, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, trong bối cảnh nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS bị cắt giảm như hiện nay, nguồn tài trợ của CDC Hoa Kỳ cho một số tỉnh có tình hình dịch cao như Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu là rất cần thiết.
Hệ thống y tế và hệ thống ngoài y tế như các nhân viên tiếp cận cộng đồng, các CBO (các nhóm cộng đồng) có điều kiện tốt hơn để triển khai các hoạt động tư vấn, kết nối dịch vụ từ xét nghiệm, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV đến điều trị ARV, điều trị đồng nhiễm HIV với bệnh lao, viêm gan B,C và các bệnh lây qua đường tình dục, góp phần quan trọng trong việc đạt các chỉ tiêu kế hoạch về phòng, chống HIV/AIDS của địa phương.
Việc triển khai dự án EPIC đã là nguồn động lực để phát huy sự tận tâm của các cán bộ y tế và các bạn tiếp cận cộng đồng, đem lại sức khỏe cho nhân dân tại hai tỉnh Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu.