Được đưa vào trồng đại trà cách đây hàng chục năm, cây na nhanh chóng được bà con nông dân ở vùng cao Võ Nhai mở rộng diện tích, trở thành cây trồng chủ lực, cho thu nhập cao tại địa phương. Bình quân mỗi héc-ta trồng na có thể cho khoảng 15 tấn quả, với giá trị lợi nhuận lên tới 400 triệu đồng/năm.
Để đạt được năng suất, sản lượng cao, người trồng na trong huyện đã không ngừng áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào thâm canh, chăm sóc, như: Tuyển lựa giống từ cây mẹ năng suất cao, trồng giãn cách phù hợp, đốn tỉa tạo tán theo kỹ thuật, sử dụng phân bón hợp lý, khoa học, phòng trừ sâu bệnh bằng thuốc trừ sâu sinh học… Đặc biệt, người trồng na Võ Nhai áp dụng quy trình kỹ thuật thụ phấn bổ sung cho na thay vì để cây thụ phấn tự nhiên, giúp năng suất tăng tới hơn 30%.
Bà Chu Thị Quy, xóm Hiên Minh, xã La Hiên - người có hơn 30 năm kinh nghiệm trồng na, chia sẻ: Hoa na thụ phấn tự nhiên thường có tỷ lệ đậu quả thấp, quả phát triển không đồng đều, dễ bị dị dạng. Chính vì vậy, chúng tôi trực tiếp thụ phấn cho hoa chọn lọc, nhằm nâng cao tỷ lệ đậu quả, cải thiện hình dạng, mẫu mã quả. Với quy trình kỹ thuật này, cây na không chỉ có tỷ lệ đậu quả cao hơn mà còn cho quả mẫu mã đẹp, tròn, vị ngọt sắc, bán được giá hơn từ 10-20%.
Từ vụ na năm 2009, bà Quy cùng với một số hộ dân khác chủ động bỏ kinh phí đi học để tiếp cận với kỹ thuật này. Ngay trong vụ đầu tiên, toàn bộ diện tích na áp dụng thụ phấn bổ sung cho năng suất cao hơn từ 30-35% so với na thụ phấn tự nhiên và đạt năng suất lên đến 5,5 tạ quả/sào.
Thấy hiệu quả cao, kể từ đó, đông đảo bà con trong vùng cùng áp dụng rộng rãi. Qua đó, nâng cao đáng kể năng suất, sản lượng na trên địa bàn xã La Hiên. Từ chỗ là cây trồng gia tăng thu nhập, na đã trở thành cây trồng chủ lực của nhiều hộ dân. Đồng thời thu hút người dân quan tâm, tìm hiểu và mở rộng diện tích cây trồng này ra nhiều địa phương khác trong huyện.
Người dân Võ Nhai hiện đang thí điểm mô hình trồng na rải vụ - một kỹ thuật mới, giúp kéo dài vụ thu hoạch, đồng thời nâng cao chất lượng, giá trị na thương phẩm.
Áp dụng kỹ thuật mới, năng suất, hiệu quả kinh tế tăng, nên diện tích trồng na tập trung ở Võ Nhai tăng từ vài chục hec-ta năm 2010 lên trên 540ha như hiện nay, tập trung ở một số xã: La Hiên, Tràng Xá, Phú Thượng, Dân Tiến… với sản lượng khoảng 5 nghìn tấn/năm. Toàn bộ diện tích này đều được thực hiện theo quy trình sản xuất áp dụng kỹ thuật chăm sóc mới, có sàng lọc, tuyển chọn từ khâu làm giống, đến áp dụng thụ phấn bổ sung cho cây để tăng năng suất, chất lượng.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng của huyện Võ Nhai cũng định kỳ tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật để hỗ trợ nông dân chăm sóc na, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ như: Chuyển đổi quy trình sản xuất an toàn theo hướng VietGAP; ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc; mở rộng kênh quảng bá, tiêu thụ na trên các sàn thương mại điện tử…
Đến nay, toàn huyện có gần 200ha na được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm quả na của huyện Võ Nhai được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể Na La Hiên. Tại xã La Hiên - địa phương chiếm tới chiếm gần 60% diện tích và hơn 65% sản lượng na trong huyện, sản phẩm na đã đem về cho người dân trong xã gần 80 tỷ đồng doanh thu trong năm 2021.
Để bảo đảm kéo dài khung thời vụ và hạn chế tình trạng tồn ứ khi đồng loạt thu hoạch cùng thời điểm, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, huyện Võ Nhai bắt đầu thí điểm áp dụng quy trình thâm canh cây na rải vụ tại 2 xã La Hiên và Phú Thượng. Quy trình này sẽ giúp cây na sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh và quan trọng nhất là sẽ chia thời gian thu hoạch thành 3 đợt gồm: Lứa quả chín sớm thu hoạch vào đầu tháng 8 với khoảng 25-30% sản lượng; lứa quả chín chính vụ vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 với khoảng 55-65% sản lượng và lứa quả chín muộn vào tháng 10-11, khoảng 10-15% sản lượng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tầm Văn Cử, Chủ tịch UBND xã La Hiên, cho biết: Nếu áp dụng quy trình thâm canh na rải vụ thành công sẽ khắc phục được hạn chế của cây na có thời vụ thu hoạch ngắn, sản phẩm chín nhanh, chín rộ và chỉ bảo quản được từ 1-3 ngày dẫn tới khó khăn trong bảo quản và khó khi tiêu thụ khi vào mùa chín rộ. Việc này cũng sẽ giúp giải quyết các những khó khăn của bà con trồng na khi "được mùa, rớt giá", tránh tình trạng bị thương lái ép giá, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế của cây trồng chủ lực tại địa phương.
Còn ông Trần Hữu Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thượng, nhận định: Nếu quy trình này triển khai thành công sẽ góp phần thay đổi mối liên kết vùng trong tổ chức sản xuất và kinh doanh, tạo ra chuỗi hợp tác sản xuất chặt chẽ giữa các hộ và các vùng na trong huyện. Theo khảo sát ban đầu, diện tích na áp dụng quy trình thâm canh rải vụ năm nay đã chuẩn bị cho thu hoạch lứa na đầu tiên vào đầu tháng 8 tới và kéo dài đến tháng 9.