Theo đánh giá của cơ quan chức năng, một trong những nguồn thải dễ phát sinh ô nhiễm môi trường là rác thải sinh hoạt. Với dân số hơn 300 nghìn người, thêm vào đó là nhiều lao động, sinh viên tạm trú, năm 2017, TP. Thái Nguyên sáp nhập thêm 5 xã, thị trấn, nên lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tăng mạnh, từ 160 tấn/ngày (năm 2016) lên khoảng 230 tấn/ngày (năm 2021).
Tuy nhiên, TP. Thái Nguyên đã tiến hành thu gom, xử lý hiệu quả, không để tồn đọng rác thải trong khu dân cư. Từ năm 2016, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên đã đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải rắn, với công xuất xử lý 150 tấn/ngày, theo phương thức công nghệ lò đốt. Qua đó giảm áp lực lượng rác thải chôn lấp tại bãi rác Đá Mài, tránh tình trạng ô nhiễm tại khu vực bãi rác.
TP. Thái Nguyên được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước về xây dựng hạ tầng xử lý nguồn nước thải sinh hoạt. Tỉnh đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt thành phố Thái Nguyên tại phường Gia Sàng, với nguồn vốn 950 tỷ đồng (năm 2019), công suất 8.000m3 nước/ngày, đêm.
Qua đó, nước thải sinh hoạt ở 9 phường trung tâm thành phố được đưa về xử lý, đạt chuẩn loại A (có thể sự dụng tưới tiêu, sản xuất nước sinh hoạt) trước khi xả ra sông Cầu.
Hiện tỉnh tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt của 10 phường, xã phía Nam thành phố, với công suất xử lý 8.000m3/ngày đêm, để đưa về Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại phường Gia Sàng xử lý.
Như vậy, khoảng ½ lượng nước thải sinh hoạt của TP.Thái Nguyên sẽ được xử lý đạt quy chuẩn trước khi đổ ra sông Cầu.
Về vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường cục bộ do một số nhà máy, xí nghiệp gây ra, TP. Thái Nguyên đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh đưa ra những biện pháp ngăn chặn, khắc phục, như: Dừng hoạt động của xưởng vôi Núi Voi; yêu cầu thay đổi công nghệ, phương thức sản xuất của Nhà máy Xi măng Lưu Xá và Xi măng Cao Ngạn; xử lý tình trạng ô nhiễm khói, bụi khu vực luyện cốc của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên; dừng hoạt động Nhà máy chế biến sắn Sơn Lâm (Đồng Bẩm); xử lý nghiêm tình trạng xả nước thải chưa xử lý ra sông Cầu của Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ…
Bên cạnh đó, TP. Thái Nguyên cũng đã quan tâm đầu tư xử lý tình trạng ô nhiễm ở một số mương, suối trong khu vực nội thị, như: Mương thoát nước sau Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, với kinh phí hơn 4 tỷ đồng; nạo vét, cải tạo suối Túc Duyên, đoạn cầu Bóng Tối, với kinh phí hơn 7 tỷ đồng… Qua đó, tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng đến người dân sinh sống ở khu vực này đã cơ bản được giải quyết.
Ngoài ra, những năm gần đây, TP. Thái Nguyên cũng tích cực triển khai đầu tư nhiều dự án chỉnh trang hè phố, phát triển hệ thống cây xanh để đảm bảo mỹ quan đô thị.
Kết quả của Trạm quan trắc môi trường không khí đặt tại phường Trưng Vương cho thấy, không khí tại TP. Thái Nguyên cơ bản đảm bảo chất lượng, chỉ một số thời điểm mùa khô, giờ cao điểm có nhiều phương tiện giao thông thì lượng bụi PM2.5 và PM1.0 vượt quy chuẩn. Cơ quan chức năng đã chủ động kiểm tra, đánh giá nguyên nhân để kịp thời đưa ra biện pháp khắc phục.
Có thể nói, môi trường, cảnh quan của TP. Thái Nguyên được đảm bảo, nhưng với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay thì cơ quan chức năng vẫn cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó có việc đầu tư xây dựng hạ tầng xử lý rác thải sinh hoạt, cải tạo hệ thống mương, suối nội thị để vừa đảm bảo chống ngập úng, vừa tránh ô nhiễm…