Cập nhật: Thứ năm 11/08/2022 - 07:46
Do không có giáo viên môn Âm nhạc và Mỹ thuật, nhiều trường THPT tính toán đến việc ký hợp đồng thỉnh giảng đối với giáo viên có đủ trình độ.
Do không có giáo viên môn Âm nhạc và Mỹ thuật, nhiều trường THPT tính toán đến việc ký hợp đồng thỉnh giảng đối với giáo viên có đủ trình độ.

Năm học 2022-2023, bên cạnh khối lớp 3 và lớp 7, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT mới) đối với khối lớp 10. Ngoài 8 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh phải chọn học 4 môn trong số 9 môn lựa chọn. Trong đó, việc tổ chức giảng dạy 2 môn Âm nhạc, Mỹ thuật ở lớp 10 sẽ khó thực hiện được vì các trường THPT của tỉnh không có giáo viên.

Theo Chương trình GDPT mới, trong 9 môn lựa chọn gồm: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, học sinh sẽ được lựa chọn 4 môn học. Tuy nhiên, thời điểm này, học sinh lớp 10 sẽ khó có lựa chọn với 2 môn Âm nhạc, Mỹ thuật, do các trường THPT trên địa bàn tỉnh hiện không có giáo viên dạy những môn này.

Thầy giáo Lê Duy Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Hỷ, nói: Chúng tôi đang tính toán sẽ làm việc với Trường Cao đẳng Thái Nguyên để hợp đồng giáo viên giảng dạy đối với những học sinh đăng ký lựa chọn môn Âm nhạc hoặc Mỹ thuật. Song nếu như vậy, Nhà trường sẽ thiếu sự chủ động trong tổ chức các hoạt động dạy học, bởi lịch học phải sắp xếp phù hợp với thời gian mà giáo viên đưa ra.

Còn đối với Trường THPT Võ Nhai, thầy Hiệu trưởng Lê Hải Thanh cho rằng: Hiện trường không có giáo viên, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy 2 môn nghệ thuật. Nếu học sinh có nguyện vọng học, chúng tôi sẽ phải trao đổi với lãnh đạo Phòng GD&ĐT để hợp đồng giáo viên ở trường khác về giảng dạy.

Không chỉ ở các trường thuộc khu vực miền núi như Đồng Hỷ, Võ Nhai, tại các trường ở trung tâm thành phố, cơ sở vật chất và trang thiết bị, phương tiện dạy học một số môn vẫn thiếu và còn nhiều bất cập. Năm học 2022-2023, khó khăn lớn nhất đối với các trường THPT là không thể sắp xếp được giáo viên giảng dạy ở các môn học lựa chọn, tự chọn như: Mỹ thuật, Âm nhạc, Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2…

Hiện nay 100% trường THPT của tỉnh không có giáo viên 2 môn Âm nhạc, Mỹ thuật. Ảnh: T.L

Thầy giáo Phan Vũ Hào, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, trăn trở: Âm nhạc và Mỹ thuật là 2 môn học khiến học sinh thích thú vì thoải mái về tâm lý. Tuy nhiên, cả nguồn giáo viên và cơ sở vật chất của Nhà trường trong những năm tới đều chưa thể đáp ứng nhu cầu về việc giảng dạy các bộ môn này.

Đây thực tế cũng là tình cảnh chung của nhiều trường THPT trên cả nước khi Bộ GD&ĐT áp dụng Chương trình GDPT đối với khối lớp 10. Nhiều ý kiến thẳng thắn cho rằng: Cả hệ thống giáo dục THPT trên toàn quốc cùng đổ xô thuê giáo viên thì thực sự không có nguồn cung nào đáp ứng nổi, thậm chí dẫn tới việc giáo viên 2 môn Mỹ thuật, Âm nhạc trở thành hợp đồng "đắt hàng". Mặt khác, các sinh viên Âm nhạc, Mỹ thuật sau tốt nghiệp, nếu muốn dạy học thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, trong khi năm học mới 2022-2023 đang cận kề, nhiều trường mới chuẩn bị tìm thuê giáo viên thì làm sao đáp ứng các yêu cầu này?

Do không có giáo viên dạy 2 môn Âm nhạc và Mỹ thuật, nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh đã thực hiện giải pháp là tư vấn cho học sinh lựa chọn môn Tin học hoặc Công nghệ. Theo ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT: Sở đã chỉ đạo các nhà trường chủ động liên hệ với Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng để hợp đồng thỉnh giảng đối với giáo viên có đủ trình độ, bố trí kế hoạch dạy học và thời khóa biểu hợp lý. Trước mắt, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện tốt cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục công lập để thực hiện thuê, khoán giáo viên giảng dạy trong điều kiện thiếu biên chế theo định mức. Đồng thời, rà soát, điều động, biệt phái giáo viên; sắp xếp giáo viên thực hiện dạy liên trường đối với một số môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Tiếng Anh... Năm 2022, Sở GD&ĐT cũng đã đề xuất nhu cầu đào tạo 20 giáo viên dạy môn Âm nhạc và Mỹ thuật cho các trường THPT.

Việc thực hiện các mục tiêu theo Chương trình GDPT mới sẽ góp phần tạo sự chuyển đổi toàn diện từ định hướng và cách tiếp cận cho học sinh. Vì vậy, các địa phương và ngành GD&ĐT đang nỗ lực phối hợp chặt chẽ trong việc đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để thực hiện tốt các mục tiêu, đúng lộ trình của Chương trình. Trước mắt, các trường đang thực hiện tư vấn, định hướng cho học sinh lựa chọn môn học theo điều kiện cơ sở vật chất và nguồn nhân lực hiện có.

Tuy nhiên, lãnh đạo các trường THPT cũng kiến nghị ngành GD&ĐT cần sớm đưa ra giải pháp cụ thể để các trường kịp thời vận dụng, đảm bảo chất lượng dạy và học phù hợp với mục tiêu và định hướng của Chương trình GDPT mới, đặc biệt là với 2 môn Âm nhạc và Mỹ thuật.

Hằng Nga