Số trẻ nhiễm Covid-19 tăng cao trở lại
Theo Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng, sau 1 tuần triển khai đợt cao điểm tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ, tỷ lệ trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm mũi 1 đã đạt 51,2% (trong khi cả nước là 71%), tỷ lệ tiêm mũi 2 ở độ tuổi này là 26,9% (cả nước là 39,9%). Tỷ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi tại thành phố là 25,5% (cả nước là 38,1%).
Với nhóm trẻ từ 5-11 tuổi, hiện Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều là địa phương có tỷ lệ tiêm thấp, quanh mốc 50%. Trong đó, tỷ lệ tiêm mũi 2 của Hà Nội mới đạt 20,9%.
Tỷ lệ tiêm chưa đạt yêu cầu, trong khi đó, số trẻ mắc Covid-19 lại đang có dấu hiệu tăng cao trở lại. Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (Thành phố Hồ Chí Minh), số trẻ mắc Covid-19 nhập viện nặng chỉ trong vòng 2 ngày vừa qua đã tăng 8-10 ca, là tín hiệu đáng lo ngại.
Ông Tăng Chí Thượng bày tỏ quan ngại khi nhiều quận, huyện có tỷ lệ đồng thuận của phụ huynh còn thấp (dưới 50%), và một số quận, huyện có tỷ lệ tiêm so với tỷ lệ đồng thuận tiêm chưa cao (dưới 80%).
Bên cạnh đó, một số quận, huyện có tỷ lệ tiêm thấp nhưng chưa thật sự nỗ lực triển khai, chưa sẵn sàng triển khai điểm tiêm vaccine ngay tại trường học nơi trẻ đang theo học (đa số các quận, huyện ghép điểm tiêm trẻ em vào các điểm tiêm cộng đồng).
Đặc biệt, nhiều gia đình không mặn mà với việc cho con em mình đi tiêm khi nhận được tin nhắn thông báo của nhà trường.
Nguy cơ khi trẻ từ chối tiêm vaccine
Theo PGS, TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ em sau khi mắc Covid-19 từ 4-6 tuần có biểu hiện là hội chứng viêm đa cơ quan. Đây là biểu hiện liên quan đến miễn dịch giữa trẻ em và người lớn có sự khác nhau. Như vậy, sau khi mắc Covid-19, người lớn là suy hô hấp, trẻ em là nguy cơ nặng, chính là MIS-C.
Hội chứng mắc suy đa cơ quan này (gọi là MIS-C) chính là tình trạng đáp ứng viêm quá lên của cơ thể khi phản ứng với các thành phần của virus. Việc này ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan, trong đó có hệ thống tim mạch, hệ thống da, cơ, gan, thần kinh, thận…
Hiện nay, với bệnh MIS-C đã có phác đồ điều trị nhưng nếu không được chẩn đoán sớm để điều trị thì sẽ nhiều nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong 283 bệnh nhân bị mắc MIS-C có tới 50% phải nằm hồi sức. Các trẻ nhỏ này phải thở máy, lọc máu và làm ECMO. Phác đồ điều trị cho trẻ bị mắc MIS-C rất tốn kém.
Thời điểm này, trước những biến thể mới có thể xâm nhập và lan tràn trong cộng đồng, việc tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất với trẻ nhỏ.
Trẻ mắc hội chứng MIS-C hậu Covid-19 nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Theo PGS, TS Trần Minh Điển, trên cơ sở tra cứu các y văn, vaccine không những có tác dụng giúp tránh mắc MIS-C mà còn bảo vệ, làm giảm mức độ nặng khi trẻ mắc MIS-C.
"Với trẻ từ 12-18 tuổi, theo nghiên cứu từ Hoa Kỳ cho thấy, ước tính hiệu quả của 2 liều vaccine Pfizer chống lại MIS-C là 91%. Và tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong những bệnh nhân mắc MIS-C mức độ nặng cần phải sử dụng các biện pháp hỗ trợ, hầu như là các cháu chưa tiêm", ông Điển cho hay.
Với nhóm trẻ từ 5-17 tuổi, theo nghiên cứu lớn tại Đan Mạch, khi tiêm vaccine sẽ bảo vệ trẻ tránh khỏi MIS-C khoảng 94%. Điều này cho thấy, nếu cho trẻ đi tiêm phòng sẽ giảm được nguy cơ mắc MIS-C và nếu như có mắc MIS-C thì bệnh sẽ nhẹ đi.
Đây là bằng chứng khoa học rõ ràng, khuyến cáo nên đưa trẻ đi tiêm chủng để bảo vệ chính con mình, giảm bớt nguy cơ bệnh nặng cho trẻ sau khi mắc Covid-19.
Hiện tại, Bộ Y tế đang tiếp tục khuyến cáo cho nhóm trẻ từ 12 đến 17 tuổi đi tiêm mũi 3 và nhóm trẻ từ 5 đến 11 tuổi đi tiêm mũi 1 và 2. Đây là một trong những vấn đề cần thiết để tạo miễn dịch cộng đồng.
Việt Nam ưu tiên chế phẩm Pfizer dành cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi liều giống như người lớn, với trẻ từ 5 đến 10 tuổi có chế phẩm riêng. Ông Điển cho hay, đây là những ưu tiên rất lớn của Chính phủ Việt Nam đối với trẻ em.
Một nhóm yếu thế nữa hiện nay chưa có vaccine là trẻ dưới 5 tuổi. Thực tế trong gia đình có trẻ sơ sinh mắc thì phụ huynh rất lo lắng và căng thẳng hơn rất nhiều so với người lớn hoặc người già.
"Đây chính là những lý do Việt Nam cần bảo vệ cho nhóm chưa được tiêm vaccine bằng cách đưa con ở nhóm đã có vaccine từ 5 tuổi trở lên đi tiêm trong thời điểm này để tạo miễn dịch trong gia đình", ông Điển khuyến cáo.
Để tăng bao phủ vaccine cho đối tượng trẻ em trước thềm năm học mới, Chính phủ đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tuyên truyền tới phụ huynh, học sinh về lợi ích của vaccine phòng Covid-19 nhằm tạo sự đồng thuận trong công tác tiêm chủng cho trẻ em, nhất là nhóm trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi để bảo đảm điều kiện an toàn cho học sinh đến trường trong năm học mới.