Với 10ha trồng cây đinh lăng, hiện nay, HTX dịch vụ Hoa Trung, ở phường Bắc Sơn (TP. Phổ Yên), đang sản xuất 2 sản phẩm chính là trà đinh lăng và cao đinh lăng. Ông Phạm Văn Hoa, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX, chia sẻ: Theo y học cổ truyền, cây đinh lăng không chỉ là thuốc bổ, mà còn có tác dụng làm thuốc chữa nhiều loại bệnh. Mỗi bộ phận của cây đều sử dụng cho từng bài thuốc riêng, nên khai thác được từ lá đến gốc, củ, rễ... Chính vì vậy, năm 2016, chúng tôi bắt đầu trồng đinh lăng, đến năm 2018, HTX có sản phẩm đầu tiên là trà đinh lăng Hoa Bàng. Đến năm 2019, cao đinh lăng Hoa Bàng cũng được sản xuất thành công. Cả 2 sản phẩm của HTX đều được cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ, đạt danh hiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên năm 2020.
Theo hạch toán của HTX, kinh phí chi cho mỗi héc-ta đinh lăng trồng mới là 180 triệu đồng, sau 4 năm cho thu hoạch khoảng 2 tỷ đồng, trừ chi phí sản xuất, cây trồng này đem lại thu nhập từ 250-300 triệu đồng/ha/năm. Ngoài các sản phẩm từ cây đinh lăng, hiện nay, HTX đang sản xuất thêm 4 sản phẩm mới là: Cao xạ đen; cao xương khớp; cao chữa bệnh mỡ máu, men gan cao và trà xạ đen.
Còn đối với Công ty TNHH cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, ở xã La Hiên (Võ Nhai), đơn vị có sản phẩm siro ho An Phế cho người lớn và trẻ em, đã công bố trên toàn quốc và được sự đón nhận, phản hồi tích cực của người tiêu dùng. Ngoài ra, Công ty còn có các sản phẩm chế biến từ cây thuốc nam, có công dụng chữa thoát vị đĩa đệm, bệnh về đại tràng, các bệnh đường hô hấp, da liễu...
Công nhân Công ty CP Sản phẩm thiên nhiên DK, ở xã Yên Ninh (Phú Lương) chế biến dây thìa canh.
Theo anh Dương Trung Kiên, Giám đốc Công ty: Thời gian qua, đơn vị đã nhân giống được 77 cây thuốc quý và có 50 loại thuốc cung cấp ra thị trường. Để chủ động được vùng nguyên liệu phong phú với gần 200 loại cây như hiện nay, Công ty đã liên kết sản xuất với các hộ dân trong và ngoài tỉnh, với diện tích lên đến hàng trăm ha. Trong đó, có nhiều loại cây quý như: Bạch cập, khôi nhung, hà thủ ô, cát sâm, vảy rồng…
Tìm hiểu chúng tôi được biết, do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với một số cây dược liệu nên Thái Nguyên có tới hơn 1.000 loài cây thuốc, trong đó có nhiều cây thuốc có giá trị kinh tế cao, như: Giảo cổ lam, ích mẫu, mã tiền, kim tiền thảo, ba kích, cát sâm, sa nhân, khôi nhung, cà gai leo, trà hoa vàng…
Các loại dược liệu phân bố rải rác tại nhiều địa phương trong tỉnh. Cụ thể, tại huyện Võ Nhai, diện tích trồng cây dược liệu đạt trên 60ha, gồm: Đinh lăng, hà thủ ô,sâm cát,cà gai leo, trà hoa vàng, giảo cổ lam, hương nhu, khôi tía... Tại huyện Đại Từ, diện tích trồng dược liệu khoảng trên dưới 30ha, gồm các loại cây: Ba kích, sa nhân, đinh lăng. Huyện Định Hóa chủ yếu phát triển cây quế.
Việc phát triển đa dạng các loại cây dược liệu giúp người dân Thái Nguyên phát huy thế mạnh đồi rừng, nâng cao ý thức trong việc bảo tồn nguồn dược liệu quý hiếm, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, một số đơn vị đã chế biến dược liệu thành các sản phẩm, góp phần tạo đầu ra và thu nhập ổn định cho người trồng cây dược liệu và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp. Điển hình như: Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất dược thảo Hoà Bình, ở thị trấn Đình Cả (Võ Nhai) trồng, chế biến trà giảo cổ lam; Công ty CP Sản phẩm thiên nhiên DK, ở xã Yên Ninh (Phú Lương) chuyên sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dây thìa canh…
Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, thời gian qua, Sở đã phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển và mở rộng các loại cây dược liệu có giá trị. Đơn cử như trong năm 2018, Trung tâm Khuyến nông đã thực hiện mô hình trồng cây ba kích tím dưới tán rừng trên địa bàn xã Nghinh Tường (Võ Nhai) và phường Châu Sơn (TP. Sông Công) với tổng diện tích 10ha. Trung bình 1ha, bà con thu hoạch được gần 6.000kg củ tươi, với giá bán dao động từ 100-200 nghìn đồng/kg, cho thu trung bình 900 triệu đồng/ha, chưa trừ chi phí.
Còn trong năm 2020 và 2021, Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh cũng đã phối hợp với 16 hộ dân ở các xã: Sảng Mộc, Thần Sa, Cúc Đường và Phú Thượng (Võ Nhai) thực hiện trồng 12ha cây ba kích và cát sâm dưới tán rừng. Quá trình theo dõi cho thấy, 2 loại cây này sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và hứa hẹn cho thu nhập cao hơn cây ngô.
Mặc dù trồng cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với một số loại cây nông nghiệp khác, song thực tế cho thấy, việc phát triển loại cây này trên địa bàn tỉnh vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, chưa tập trung; chưa có cơ sở hoặc nhà máy chế biến, chiết xuất dược liệu bảo đảm các tiêu chuẩn xuất khẩu; các sản phẩm dược liệu chủ yếu mới qua sơ chế, chế biến thô nên giá trị kinh tế chưa cao...
Trước thực trạng trên, để phát triển bền vững cây dược liệu, ngoài các giải pháp về cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh nhằm phục hồi, phát triển các vùng trồng dược liệu truyền thống thì việc các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất đẩy mạnh liên kết nhằm xây dựng vùng trồng tập trung cũng cần được chú trọng. Từ đó sẽ tạo sức hút các doanh nghiệp đầu tư công nghiệp chế biến các sản phẩm dược liệu. Từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển bền vững vùng sản xuất cây dược liệu tại Thái Nguyên.