Mặc dù giá lợn hơi bán ra tại chuồng đã giảm từ khoảng 1 tuần nay, nhưng khi khảo sát tại một số chợ truyền thống ở TP. Thái Nguyên và các huyện, thành trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy giá thịt bán ra “không nhúc nhích”, trung bình ở mức 120.000-130.000 đồng/kg. Các loại thịt gia súc, gia cầm khác cũng khá ổn định. Cụ thể, thịt bò có giá bình quân 270.000 - 280.000 đồng/kg; thịt gà ta có giá 130.000 - 140.000 đồng/kg…
Bà Lê Thị Lập, một khách hàng tại chợ Khu Tây, phường Cam Giá (TP. Thái Nguyên), than thở: Trước, giá xăng tăng mạnh, các quầy bán thịt ở các chợ cũng tăng thêm vài giá. Đến khi giá xăng giảm mạnh, giá thịt vẫn tăng với lý do giá thịt hơi tăng. Còn nay, cả giá thịt hơi và giá xăng đều giảm mà giá thịt bán ra vẫn chưa thấy giảm?!
Đối với kênh siêu thị, giá các loại hàng hóa không biến động quá nhiều. Chị Trần Thị Thu Hiền, Giám sát ngành hàng Siêu thị Lan Chi (TP. Thái Nguyên), cho biết: Hiện nay, một số mặt hàng tại Siêu thị đã bắt đầu “hạ nhiệt”. Cụ thể, giá các loại gạo giảm từ 15-20%, giá dầu ăn giảm từ 4-6%, thịt gà giảm từ 8-12% tùy loại. Giá thịt lợn nhập khẩu giảm, song thịt lợn trong nước lại giữ ổn định, thậm chí giá nhập vào đang có xu hướng tăng. Các loại hàng hóa khác cơ bản ổn định giá. Nguyên nhân một phần là bởi trong thời gian giá xăng tăng quá mạnh, các nhà cung ứng đã cố gắng cầm cự, không tăng giá quá nhiều, nên khi giá xăng giảm thì nhà sản xuất cũng chưa thể giảm giá ngay. Chúng tôi vẫn đang bám sát giá của các nhà cung cấp, khi được báo giảm giá, Siêu thị cũng thực hiện điều chỉnh giá ngay trong ngày.
Một số nhà phân phối cho biết thêm, khi giá xăng giảm sâu, phải mất một thời gian giá hàng hóa mới giảm theo bởi các cơ sở, doanh nghiệp phải bán hết hàng tồn đọng trong đợt sản xuất trước, sau đó mới bắt đầu đợt sản xuất mới với mức giá thấp hơn, lúc đó sẽ hình thành giá mới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bên cạnh các loại hàng hóa chịu tác động trực tiếp của giá xăng, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, ở một số loại hàng hóa, giá xăng chỉ là một trong những yếu tố cấu thành giá sản phẩm. Việc xăng tăng giá gây áp lực tăng giá lên các mặt hàng nhiều khi chỉ là "hiệu ứng dây chuyền", là lý do để các đối tượng lợi dụng đẩy giá lên cao, tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Điều này đã dẫn tới hiện tượng xăng tăng giá thì hàng hóa đồng loạt tăng theo, còn khi xăng giảm giá thì giá hàng hóa vẫn khó xuống.
Giá các mặt hàng thiết yếu vẫn ở mức cao đã, đang ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Không ít người phải dè sẻn, thắt chặt chi tiêu, thậm chí cắt giảm bớt một số thói quen, thú vui giải trí để tiết kiệm. Chị Hà Thị Bích, ở phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên), bày tỏ: Gia đình tôi có bố mẹ già, 2 vợ chồng và 4 con nhỏ. Nếu như trước đây, chi tiêu hằng tháng của cả nhà tằn tiện khoảng 8 triệu đồng thì nay phải tăng lên 10 triệu đồng, do các chi phí đều tăng. Trong khi đó, 2 vợ chồng tôi đều là lao động tự do, thu nhập thấp. Tôi buộc phải cắt giảm những khoản không quá cần thiết, mua sắm cho bản thân để lo chi phí cơ bản.
Chiều 11-8, giá xăng tiếp tục được điều chỉnh giảm lần thứ 5 về sát mốc 23.000 đồng/lít, các mặt hàng dầu cũng hạ nhiệt theo, đưa mặt hàng này về mức giá trước khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine. Đây tiếp tục là tín hiệu mừng đối với người dân, doanh nghiệp, vì ít nhất cũng ngăn ngừa được làn sóng tăng giá các loại hàng hóa.
Theo nhiều ý kiến, dư luận đồng ý rằng giá hàng hóa giảm cần có “độ trễ” so với giá xăng dầu, song về lâu dài, các cấp có thẩm quyền cần có biện pháp can thiệp, không để tình trạng giá hàng hóa “nhanh lên, khó giảm”, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội…