Mỗi lần đi qua đền thờ Đội Cấn, nằm trên một quả đồi nhỏ ở phố Phủ Liễn, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), con trai tôi lại tuôn một tràng dài: Ông Đội Cấn là một thủ lĩnh trong cuộc binh biến chống chính quyền thực dân Pháp tại Thái Nguyên năm 1917. Đền thờ này là do nhân dân Thái Nguyên dựng lên trước Cách mạng Tháng Tám để thờ người thủ lĩnh Đội Cấn và các nghĩa quân. Trong kháng chiến chống Pháp, ngôi đền bị san phẳng, năm 2002 đã được tỉnh mình xây dựng lại đấy mẹ ạ.
Tôi thấy rất vui khi câu con trai 14 tuổi của mình hiểu về lịch sử quê hương như vậy. Qua lời kể của con, tôi được biết, hằng năm, Nhà trường đã rất quan tâm tới việc đưa nội dung lịch sử địa phương vào chương trình giảng dậy môn Lịch sử trên lớp. Nhờ đó, lũ trẻ đã hiểu rõ hơn về lịch sử quê hương như: Các di chỉ khảo cổ ở Thái Nguyên thời nguyên thủy tập trung chủ yếu ở Thần Sa, Sảng Mộc, Vũ Chấn, Thượng Nung, Bình Long (Võ Nhai) học năm lớp 6; Đền Đuổm, nằm trên địa bàn xã Động Đạt (Phú Lương), thờ Anh hùng Dương Tự Minh được học năm lớp 7…
Có lẽ, chính những giờ học đầy thú vị về lịch sử địa phương đã khiến lớp trẻ của Thái Nguyên hôm nay tự hào về quê hương mình đến vậy. Tuy nhiên, để có được những giờ giảng lý thú và bổ ích ấy là sự đóng góp rất lớn của các thầy, cô giáo dậy môn Lịch sử trong các trường học.
Cô giáo Đinh Thị Thanh Hiếu, Tổ trưởng Tổ Khoa học – Xã hội, Trường THCS Nguyễn Du, chia sẻ: Từ năm học 2014-2015, cấp THCS bắt đầu đưa nội dung lịch sử địa phương vào giảng dậy trên lớp theo giáo trình do Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ biên soạn, phát hành. Đây là nội dung giảng dậy thống nhất trên toàn tỉnh. Tuy nhiên để mỗi giờ học thêm sinh động, chúng tôi thường hướng dẫn các em tìm hiểu thêm qua sách, báo; cho học sinh tham quan các di tích lịch sử trên địa bàn… Từ đó giúp học sinh được mở mang thêm nhiều kiến thức bổ ích liên quan đến bài giảng.
Với bậc Tiểu học, nội dung lịch sử địa phương bắt đầu được biên soạn và đưa vào các giờ giảng trên lớp từ năm học 2012-2013, cũng theo giáo trình chung do Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ biên soạn, phát hành.
Riêng với bậc THPT, nội dung lịch sử địa phương được giao cho các nhà trường. Theo đó, mỗi trường sẽ căn cứ vào hoàn cảnh thực tiễn, các tổ, nhóm chuyên môn tự tiến hành biên soạn và giảng dạy theo chương trình của nhà trường và được Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Hằng năm, Sở chỉ đạo các trường học bổ sung nhiều tài liệu viết về lịch sử của Thái Nguyên vào thư viện nhà trường để học sinh, giáo viên có nguồn tư liệu dồi dào phục vụ cho việc giảng dậy, học tập…
Thực tế cho thấy, lịch sử địa phương có vai trò quan trọng trong việc giáo dục truyền thống của quê hương. Thông qua mỗi giờ giảng, học sinh sẽ hiểu hơn về mảnh đất nơi mình sinh ra, lớn lên; hiểu được sự gắn kết của lịch sử địa phương trong dòng chảy của lịch sử dân tộc; hun đúc ý trí và trách nhiệm của thế hệ sau với quê hương, đất nước.
Vì lẽ đó, việc biên soạn nội dung lịch sử địa phương để đưa vào giảng dậy môn Lịch sử đã được ngành Giáo dục – Đào tạo Thái Nguyên đặc biệt quan tâm. Nội dung biên soạn gần gũi, dễ hiểu, được giáo viên truyền tải đến học sinh bằng nhiều hình thức…