“Nước sông Cầu vừa trong, vừa mát/ Uống nước này giọng hát sẽ hay/Da trắng, môi đỏ dêm ngày/ Sông Cầu không rượu mà say lòng người”. Đó là những câu thơ trong bài “Yêu lắm sông Cầu”, do người bạn tri kỷ của tôi sáng tác trong một đêm Hè trăng thanh gió mát ở bãi sông Cầu gần chân cầu Gia Bẩy (TP. Thái Nguyên). Bạn tôi kể rằng, do nguồn nước sông Cầu mà người dân sống gần sông đều có giọng nói trong trẻo, nhiều người hát hay, phụ nữ có nước da trắng ngần và đôi môi đỏ thắm.
Đọc một số tài liệu nghiên cứu và thực tế công tác tại các địa phương có dòng sông Cầu đi qua, tôi thấy lời bạn tôi nói đúng. Sông Cầu khởi nguồn từ đỉnh Tam Tao (huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn), uốn lượn qua huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) rồi đổi hướng để chảy theo hướng tây tây nam-đông đông bắc, qua thành phố Bắc Kạn rồi qua các huyện Bạch Thông, Chợ Mới của tỉnh Bắc Kạn, vào địa phận tỉnh Thái Nguyên tại huyện Đồng Hỷ.
Dòng sông đến huyện Phú Lương nhận tiếp một chi lưu phía hữu ngạn là sông Đu, rồi chảy qua phía Đông TP. Thái Nguyên. Sông Cầu chảy tới xã Nga My, huyện Phú Bình, thì đổi sang hướng đông bắc-tây nam, tới thành phố Phổ Yên nhận tiếp một chi lưu là sông Công; chảy về huyện Sóc Sơn (Hà Nội) nhận một chi lưu nhỏ phía hữu ngạn là sông Cà Lồ, rồi chảy tiếp về Bắc Giang, Bắc Ninh, đến Lục Đầu Giang (Phả Lại, Chí Linh, Hải Dương) hòa cùng hệ thống sông Thái Bình rồi đổ ra biển…
Sông Cầu có vai trò như cầu nối giao lưu giữa các vùng văn hóa của các dân tộc anh em trên đất Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương... Những làn dân ca, sli, lượn của các dân tộc ở ngọn nguồn sông Cầu theo dòng nước hiền hòa quyện chung với điệu ví, trống quân, cò lả, Quan họ… ở cuối dòng sông, làm cho nét văn hóa trên dòng sông Cầu phong phú, đa dạng mà ít dòng sông nào của Việt Nam có được.
Khúc Sông Cầu ở TP. Thái Nguyên không dài nhưng lại là một trong những khúc sông đẹp nhất của con sông này. Tại dây, sông Cầu như dải lụa mềm uốn lượn bên thành phố. Theo quy hoạch, TP. Thái Nguyên sẽ phát triển đô thị hai bên sông Cầu.
Xây dựng các khu đô thị ven sông trong lòng thành phố là hướng phát triển bền vững và tiên tiến của nhiều quốc gia trên thế giới. Dòng sông Thames chảy qua London tạo nên khung cảnh huyền bí, say đắm khôn tả của “xứ sở sương mù”. Sông Seine thơ mộng vắt ngang qua Paris diễm lệ, qua nét cổ xưa trầm mặc của Amsterdam... Việt Nam cũng đã có nhiều “thành phố bên sông” đang tạo nên sức hút mãnh liệt bởi yếu tố phong thủy, cảnh quan sông nước cùng hệ thống tiện ích, giải trí, dịch vụ chất lượng cao. Điển hình như Đà Nẵng yên bình bên dòng sông Hàn. Huế thơ mộng bên dòng sông Hương. Thủ đô Hà Nội cũng đang thực hiện quy hoạch với đô thị hai bên dòng sông Hồng huyền thoại…
Khúc sông Cầu qua TP. Thái Nguyên không chỉ là cảnh đẹp mà còn là biểu tượng của ý chí kiên trung, sẵn sàng hy sinh của người dân nơi đây trong các cuộc chiến chống xâm lược. Sông Cầu đã từng là mồ chôn của rất nhiều giặc ngoại xâm. Trận địa bảo vệ cầu Gia Bẩy bắc qua sông Cầu trong TP. Thái Nguyên từng là nỗi kinh hoàng của rất nhiều phi công Mỹ những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước.
Đồng chí Mai Phúc Toàn, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Qua các giai đoạn chiến tranh, nhất là giai đoạn Mỹ đánh phá miền Bắc, đồi pháo bảo vệ cầu Gia Bẩy bị trúng bom, hàng chục dân quân tự vệ đã hy sinh. Chúng ta đã làm Đài Liệt sĩ tưởng niệm, tri ân sự hy sinh lớn lao này”.
Cựu chiến binh Nguyễn Công Tuấn, nguyên Ðại đội trưởng Ðại đội 5, Trung đoàn 256 bảo vệ cầu Gia Bẩy, nhớ lại: Chiều 24-12-1972, Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc ra lệnh cho Trung đoàn "sẵn sàng chiến đấu đánh B52". Toàn thể cán bộ, chiến sĩ xác định: "Quyết tâm bắn rơi máy bay B52 của giặc Mỹ". Từ 19 giờ 55 phút, giặc Mỹ liên tiếp huy động máy bay B52 và máy bay chiến thuật ồ ạt ném bom. Mặc dù thời tiết xấu, trời tối, đánh địch trong điều kiện không có khí tài điều khiển, khí tài quan sát máy bay địch ban đêm lại hạn chế, nhưng cán bộ, chiến sĩ các Đại đội 3, 5, 9 vẫn bình tĩnh, kiên trì bám trận địa, liên tiếp nổ súng vào tốp máy bay B52 của địch, theo phương án bắn dựng màn đạn cố định bằng ngòi nổ định sẵn ở độ cao từ 10km đến 12km; bầu trời TP. Thái Nguyên sáng rực cùng tiếng nổ vang rền làm rung chuyển cả một vùng. Lúc này, tại trận địa Ðại đội 5 ở xã Quang Vinh, TP. Thái Nguyên, tôi chỉ huy sáu khẩu đội liên tiếp nã đạn vào tốp máy bay B52. Trong khói đạn mịt mù, Trung sĩ Giá Văn Tường, Khẩu đội trưởng Khẩu đội 3 vừa chỉ huy vừa làm pháo thủ thay chiến sĩ bị thương. Chiến sĩ Vũ Ðình Chiến, dáng người nhỏ bé, thư sinh thoăn thoắt như con thoi, vác từng quả đạn pháo nặng bằng trọng lượng cơ thể mình chuyển cho đồng đội... Ðến 21 giờ 50 phút, Ðại đội 5 tiêu diệt một chiếc máy bay B52 của địch, lập nên chiến công đầu tiên”.
Cách đây mấy năm, người dân TP. Thái Nguyên vô cùng phấn khởi khi được tin UBND thành phố kết hợp với các nhà tư vấn xây dựng phương án điều chỉnh Quy hoạch chung của thành phố đến năm 2035, lấy sông Cầu làm trục không gian chính, tâm điểm phát triển của TP. Thái Nguyên…
Đứng trước dòng sông Cầu thơ mộng, người dân TP. Thái Nguyên giờ đây vẫn không khỏi bâng khuâng khi thấy dường như thành phố vẫn đang “lệch” về một bên sông. Họ mong ước quy hoạch mới của thành phố sẽ sớm trở thành hiện thực để khúc sông Cầu vang mãi bài ca yêu thương và chiến thắng.