Đường mở rộng, điện về bản
Nằm sâu trong thung lũng với bốn bề là núi, Khuôn Ngục hiện có 68 hộ dân, trong đó có tới 48 hộ đồng bào dân tộc Mông. Hơn 100 năm trước, lũng núi này là nơi định cư của số ít hộ đồng bào dân tộc Cao Lan. Đến năm 1979, khi một số hộ người dân tộc Mông ở Cao Bằng tìm về đây dựng nhà, lập nghiệp, Khuôn Ngục đã trở nên đông vui hơn.
Hồi ấy, đường vào Khuôn Ngục khó đi lắm! Hằng ngày, người dân phải men theo con đường mòn ngoằn ngoèo sỏi đá để về bản. Hạt thóc, bắp ngô, con gà, con lợn muốn bán cũng phải đi bộ cả nửa ngày mới mang được ra chợ La Hiên. Năm 2015, được Chương trình 135 và Dự án (SDC) của Thụy Sỹ đầu tư kinh phí, khoảng 3km đường trục chính của bản đã được mở rộng, đổ bê tông, tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.
Ông Hoàng Văn Chức, Bí thư Chi bộ Khuôn Ngục, nói: Từ khi con đường bê tông hoàn thành, đời sống của người dân trong bản ngày một khấm khá hơn nên ai cũng hồ hởi, phấn khởi. Nhiều tư thương đã vào tận nơi mua nông sản cho bà con. Đặc biệt, một vài người dân ở nơi khác đã về lũng núi này mua đất đầu tư làm trang trại chăn nuôi gà, lợn. Từ đó, tạo việc làm tại chỗ cho người dân địa phương và mở ra phong trào chăn nuôi theo hướng trang trại ở Khuôn Ngục. Hiện, cả bản đã có 4 trang trại chăn nuôi lợn, gà quy mô từ 1.000 -3.000 con/lứa.
Niềm vui nhân đôi khi một năm sau (2016), điện lưới Quốc gia đã về với bản vùng cao Khuôn Ngục. Được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Dự án Năng lượng nông thôn ReII do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, điện về không chỉ thắp sáng trong mỗi nếp nhà mà còn giúp người dân đưa cơ giới hóa như giàn phun tưới nước cho chè, máy bơm nước… vào phục vụ sản xuất.
Mừng hơn khi cũng trong năm 2016, Nhà nước đã đầu tư 300 triệu đồng theo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới để xây dựng nhà văn hóa xóm Khuôn Ngục khang trang, để người dân trong bản có nơi hội họp, sinh hoạt chung.
Ông Nịnh Văn Cường, một hộ dân trong bản cho biết: Hằng năm, những hộ nghèo, cận nghèo trong bản còn được hỗ trợ kinh phí theo Chương trình 135 để đầu tư phát triển kinh tế. Nhờ đó, cuộc sống của bà con đã được cải thiện rất nhiều.
Ngôi nhà mới kiên cố của gia đình anh Hoàng Văn Máy, xóm Khuôn Ngục, đang dần hoàn thiện.
Sức sống mới ở Khuôn Ngục
Hiếm lũng núi nào có phong cảnh đẹp như ở Khuôn Ngục. Càng đẹp hơn khi ở bản vùng cao này được tô điểm bởi những vườn cây ăn quả trĩu trịt, những trang trại chăn nuôi quy mô khá lớn. Phía lưng chừng núi, rừng keo xanh ngút tầm mắt của một số hộ dân (cả bản có khoảng 20ha rừng sản xuất) đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch mang đến cho Khuôn Ngục một sắc màu tươi mới.
Khuôn Ngục hôm nay dẫu còn 24 hộ nghèo và 16 hộ cận nghèo (đều là hộ đồng bào dân tộc Mông) nhưng so với trước, đời sống của người dân đã được cải thiện rất nhiều, không còn cảnh đong ăn từng bữa những ngày giáp hạt. Ngô lai về bản đã đưa năng suất cây trồng chủ lực của người Mông Khuôn Ngục tăng cao (khoảng 2 tạ/sào), giúp mỗi hộ thu khoảng 1-2 tấn ngô/năm (mỗi hộ trong bản có từ 3-4 sào trồng ngô 2 vụ). Toàn bộ số ngô thu được không chỉ giúp bà con có đủ lương thực để phục vụ chăn nuôi gà, lợn mà còn giúp các hộ có thêm nguồn thu khi bán cho tư thương.
Không chỉ có cây ngô, nhiều hộ cũng đã khai phá đất ruộng để cấy lúa (khoảng 2 sào/hộ); mạnh dạn đưa những giống lúa năng suất, chất lượng vào gieo cấy. Năng suất lúa khá ổn định (đạt từ 1,8 đến 2 tạ/sào), giúp người dân trong bản chủ động được nguồn lương thực tại chỗ.
Cuộc sống càng được cải thiện khi cây chè bén rễ trong lũng núi Khuôn Ngục. Trưởng bản Lương Đình Hướng, người dân tộc Cao Lan, cho hay: Giờ, người Mông Khuôn Ngục đã có cuộc sống tốt hơn trước. Không chỉ trồng ngô trên nương, cấy lúa dưới ruộng, bà con còn tận dụng đồi bãi trồng thêm cây chè.
Hiện nay, cả bản Khuôn Ngục có tới 90% số hộ tham gia trồng chè với các giống LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên. Trung bình mỗi hộ có từ 3 đến 4 sào chè, mỗi năm thu từ 20 đến 30 triệu đồng…
Đáng nói, vào mùa nông nhàn hoặc nhà nào ít ruộng đất, thay vì “ở lì” trong nhà, khoảng 3 năm nay, nhiều người đã chủ động tìm việc làm để kiếm thêm thu nhập. Nhờ thế, bà con có tiền để sửa sang và xây mới ngôi nhà của mình. Theo hướng dẫn của Trưởng bản Lương Đình Hướng, chúng tôi đã tìm được ngôi nhà mới xây của anh Hoàng Văn Máy, người dân tộc Mông ở cuối bản. Là hộ nghèo, có đến 6 người con đang tuổi ăn, tuổi lớn, vợ chồng anh Máy phải lăn lộn đủ nghề để mưu sinh. Sau những vất vả, đầu năm 2022, anh đã có tiền để xây ngôi nhà mới. Anh cho hay: Giờ không còn lo nhà bị đổ khi mưa to, gió lớn nữa rồi. Nhưng Máy còn phải cố gắng nhiều lắm để con mình được học hành, cuộc sống bớt khổ.
Có những hộ dân trong bản còn chủ động đầu tư máy móc để làm dịch vụ. Đơn cử như anh Lý Văn Vàng, người dân tộc Mông, đã mạnh dạn bỏ ra hơn 10 triệu đồng để mua máy làm đất về làm dịch vụ phục vụ người dân trong bản và các khu vực lân cận. Anh Vàng bộc bạch: Giờ có đến gần 20 hộ trong bản nuôi trâu nhưng đều là để vỗ béo. Bởi vậy, bà con phải thuê máy làm đất cấy lúa. Mỗi khi vào vụ cấy, trừ các khoản chi phí, mình cũng thu 00-500 nghìn đồng/ngày.
Trong câu chuyện với chúng tôi, đôi mắt người những người đàn ông ấy ánh lên niềm vui và hy vọng. Không phải riêng các anh mà nhiều hộ đồng bào người Mông nơi đây đều đang nỗ lực vượt khó vươn lên để dựng xây cuộc sống ấm no bằng tư duy đổi mới.
Hôm nay, tư duy trông chờ ỷ lại vào Nhà nước đã không còn trong suy nghĩ của người Mông ở Khuôn Ngục. Dẫu phía trước còn nhiều gian nan khi đường giao thông chưa "phủ" hết bản. Đoạn đường từ cuối bản sang xã Tân Long (Đồng Hỷ) chưa được đầu tư, mở rộng khiến Khuôn Ngục “rơi” vào “ngõ cụt” khi chỉ có một con đường độc đạo. Thêm vào đó, bản chưa tìm được cây trồng chủ lực để phát triển một cách có trọng tâm trọng điểm... nhưng chúng tôi tin, người dân nơi đây sẽ có đủ “bản lĩnh” vượt qua khó khăn để xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.