Đến xóm Bờ Suối, hỏi thăm nhà chị Thảo “vịt”, bà con trong xóm nhiệt tình chỉ cho chúng tôi căn nhà khang trang mới xây nằm ẩn mình dưới những tán cây ăn trái cao lớn. Đó là thành quả suốt bao năm lao động miệt mài của chị Thảo và gia đình.
Trong câu chuyện kể với chúng tôi, chị Thảo chia sẻ: Hồi mới xây dựng gia đình rồi ra ở riêng, tài sản của vợ chồng tôi không có gì ngoài sức lao động. Cuộc sống khó khăn, chồng tôi nghe lời bạn bè đi tìm cơ hội đổi đời trên những bãi vàng từ Bắc vào Nam. Một mình tôi ở nhà vừa nuôi con, vừa phát đồi khai hoang, ủi đất làm đường, trồng ngô, cấy lúa, chăn nuôi nhỏ lẻ… Cả cơ ngơi rộng gần 2ha đều mình tôi đảm đương. Sau bao năm ngược xuôi Nam - Bắc, đến năm 2009 chồng tôi về hẳn, hỗ trợ vợ phát triển kinh tế gia đình.
Có lợi thế về quỹ đất rộng, thuận tiện nguồn nước, chị Thảo lựa chọn chăn nuôi 300 con vịt, thu trứng bán để phát triển kinh tế. Thời gian đầu, chị nuôi giống vịt cỏ, sản lượng và chất lượng trứng vịt thấp, lại thêm không chú trọng phòng, chống dịch bệnh nên có đợ, gia đình mất trắng đàn.
Không nản lòng trước khó khăn, qua quá trình tìm hiểu, tham khảo kinh nghiệm nhiều nơi, chị Thảo quyết định đầu tư mua giống vịt mới “Siêu Hoa Mơ” ít bệnh, đẻ nhiều, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Theo chị Thảo, thời gian chăn nuôi cho vịt trưởng thành và bắt đầu đẻ trứng có sự khác nhau. Thông thường khi nuôi được khoảng 4 tháng, vịt bắt đầu đẻ. Mỗi đàn vịt chỉ nên nuôi 2 năm, khi sản lượng trứng vịt thu về sụt giảm khoảng 25% thì nên vào đàn khác.
Về bài toán thu nhập, nuôi vịt siêu trứng cho hiệu quả kinh tế rất cao. Chị Thảo nhẩm tính: Bình quân mỗi ngày, một con vịt đẻ được 1 quả trứng, bán với giá 2.500-3.000 đồng/quả. Trong khi đó, chi phí thức ăn cho vịt 1 ngày chỉ khoảng từ 1.300-1.500 đồng/con. Việc chăn nuôi vịt cần chú ý nhất là bệnh dịch tả, nếu 6 tháng tiêm phòng 1 lần thì cả đàn sẽ khỏe mạnh.
Từ những kết quả chăn nuôi ban đầu, năm 2002, chị Thảo mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và vay mượn thêm người thân được gần 100 triệu đồng để đầu tư thêm con giống và mở rộng chuồng trại. Sau nhiều năm phát triển chăn nuôi vịt và bán trứng, nhìn thấy tiềm năng của việc ấp nở con giống cùng với trứng sau khi ấp, chị Thảo đã đầu tư thêm 3 máy ấp. Thời gian đầu, số lượng trứng ấp mỗi ngày chỉ vài trăm quả. Dần dần, nhờ mở rộng được thị trường nên chị đã tăng sản lượng trứng ấp.
Đến nay, thời điểm cao nhất, trang trại của gia đình chị Thảo có đến 5.000 con vịt. Mỗi ngày, lò ấp của gia đình chị cung cấp ra thị trường hơn 4.500 quả trứng với giá bán bình quân từ 3.500-4.000/quả. Để trứng ngon và không bị sát vỏ, trong quá trình ấp, chị Thảo luôn chú ý đến độ ẩm, quạt thông gió, nhiệt độ phù hợp nhất là 37,4 độ C.
Do vịt được chăn thả tự nhiên nên chất lượng trứng thơm, ngon. Nhờ đó, cơ sở cung cấp trứng vịt trắng và vịt lộn của gia đình chị đã trở thành địa chỉ tin cậy cung cấp sản phẩm cho thị trường trong và ngoài huyện. Ngoài ra, chị còn trồng xen canh các loại cây ăn quả (nhãn, vải...), vừa tạo bóng mát cho đàn vịt, lại có thêm nguồn thu nhập. Sau khi trừ chi phí, chị Thảo thu lãi gần 600 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 6 lao động trong gia đình.
Nói về mô hình kinh tế của gia đình chị Thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nam Hòa Trần Thị Thảo đánh giá: Chị Thảo không chỉ năng động, sáng tạo và mạnh dạn trong phát triển kinh tế gia đình mà còn tích cực tham gia công tác, phong trào Hội Phụ nữ. Chị đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Hội Phụ nữ từ Trung ương tới địa phương. Không giấu nghề, chị cũng rất nhiệt tình chia sẻ, giúp đỡ hội viên phụ nữ về khoa học kỹ thuật cũng như kinh nghiệm sản xuất để cùng nâng cao thu nhập…. Với mô hình kinh tế chăn nuôi vịt siêu trứng trên đồi, gia đình chị Hoàng Thị Thảo trở thành hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi điển hình của xã Nam Hòa và được nhiều người đến tham quan, học tập kinh nghiệm…