“Hạ Long trên cạn”
Hồ Núi Cốc nằm ở phía Tây Bắc của thành phố Thái Nguyên, có diện tích 2.000ha với 89 hòn đảo và nhiều bán đảo như những viên ngọc soi bóng tạo nên cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng. Hồ Núi Cốc là tài sản quý giá của tỉnh và phần tinh túy nhất thuộc địa phận thành phố Thái Nguyên (khoảng 1.100ha).
Cùng các cán bộ của xã Phúc Trìu đi ca nô len lỏi vào những khe nước giữa các đảo: Kim Bảng, Long Hội, Tò Vò, chúng tôi thấy sự ví von hồ Núi Cốc như “Hạ Long trên cạn” quả không sai.
Nước hồ Núi Cốc được thiên nhiên chắt lọc từ ngàn vạn cây lá, tầng tầng địa chất của hai dãy núi lớn nhất tỉnh Thái Nguyên là Tam Đảo và núi Hồng nên trong lành, thuần khiết. Dưới tầng nước sâu 30-40m của hồ là muôn loại thủy sinh phát triển tạo nên các đặc sản để du khách thưởng thức ẩm thực mỗi khi tới đây.
Anh Nguyễn Văn Thành, một người lái ca-nô đưa khách tham quan ở hồ Núi Cốc, chia sẻ với chúng tôi: Xuất phát từ bến tầu khu Nam thuộc xóm Phúc Thuần của xã Phúc Trìu đi tham quan hồ Núi Cốc là lý tưởng nhất, bởi điểm này nước sâu tới 38m, không gian rộng lớn nên du khách nhìn bao quát được nhiều đảo. Cũng từ đây, du khách ra đảo Kim Bảng - nơi có căn nhà mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhiều thời gian ở lại để viết hồi ký về những năm tháng hào hùng của dân tộc. Nơi Đại tướng vun trồng từng cây nhỏ tới khóm hoa…
Còn khi làm việc tại xã Phúc Xuân, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND xã thông tin: Gần 400ha đất đảo, bán đảo và 200ha mặt nước khu vực hồ Núi Cốc thuộc quản lý của địa phương đã được cấp có thẩm quyền quy hoạch 1/2000 về các phân khu chức năng.
Gần 50% diện tích hồ Núi Cốc thuộc địa phận TP. Thái Nguyên.
Điều này cho thấy trong tương lai gần, hồ Núi Cốc sẽ là điểm thu hút đầu tư quan trọng của TP. Thái Nguyên. Hồ vừa là cảnh sắc, vừa là “mỏ vàng” của thành phố trong phát triển kinh tế - xã hội cả hiện tại và tương lai.
Hai dòng sông thơ mộng
Như đã nói ở trên, hồ Núi Cốc được hình thành bởi những bàn tay, khối óc của cả ngàn vạn cán bộ, chiến sĩ và dân công trong gần 1 thập kỷ đắp đập, ngăn dòng sông Công. Nhưng khi đã dành tặng cả tỷ mét khối nước nơi đầu nguồn, dòng sông Công thơ mộng tiếp tục tuôn chảy qua vùng chè đặc sản của các xã: Phúc Trìu, Tân Cương, Thịnh Đức... Rồi sông Công miệt mài chảy qua các xã, phường của TP. Sông Công, tới TP. Phổ Yên hợp lưu với sông Cầu (tên xưa là Như Nguyệt Giang) tại khu vực Thu Lỗ của phường Trung Thành (TP. Phổ Yên).
Do ở vị trí tiếp giáp giữa vùng rừng núi và đồng bằng Bắc Bộ nên Như Nguyệt Giang thuở trước là tuyến đường thuỷ quan trọng nối liền tỉnh Thái Nguyên với vùng đồng bằng sông Hồng.
Theo dòng Như Nguyệt, lái buôn lên tận bến đỗ tại khu vực của TP. Thái Nguyên ngày nay để trao đổi hàng hoá. Theo các tài liệu còn lưu lại, bến sông Đồng Mỗ là nơi thường xuyên ra vào của các loại thuyền bè. Các hàng lâm thổ sản miền ngược theo bè mảng xuôi về cập bến Đồng Mỗ, rồi tiếp tục chuyển về xuôi. Vào những mùa nước to, thuyền lớn từ Đáp Cầu (Bắc Ninh) ngược dòng Như Nguyệt, thả neo tại bến Đồng Mỗ để đưa hàng tới các huyện miền núi.
Hàng hoá, sản vật trao đổi giữa miền núi và miền xuôi phần lớn đều đi qua và tập kết ở khu vực TP. Thái Nguyên ngày nay, khiến nơi đây trở thành một trong những đầu mối giao thương sầm uất.
Dòng sông Cầu vẫn miệt mài đưa nguồn nước mát, cá tôm từ nhưng khe suối của dãy núi Phja Boóc (tên gọi khác là dãy núi Tham Thẩu) của huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) qua vùng đất của huyện Phú Lương rồi uốn lượn qua 10 phường, xã của TP. Thái Nguyên. Chính dòng sông hiền hòa này đã bồi đắp phù sa để ruộng đồng tươi tốt, cho cá tôm, nguồn nước trong lành, tạo kế sinh nhai cho cả 8 dân tộc anh em của TP. Thái Nguyên cùng sinh sống đoàn kết dọc theo đôi bờ. 6 thập kỷ phát triển của đô thị TP. Thái Nguyên đều gắn với sông Cầu.
Đặc biệt, ngày 18-8-2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 422/NQ-UBTVQH14 về việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thành phố Thái Nguyên, sông Cầu lọt sâu vào “lòng” TP. Thái Nguyên. Từ quyết định này của Trung ương, sông Cầu trở thành điểm nhấn kiến trúc quan trọng bậc nhất trong quy hoạch đô thị, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của TP. Thái Nguyên những năm tới.