Cập nhật: Thứ bẩy 20/08/2022 - 06:53
Lực lượng tự vệ gang thép phối hợp cùng bộ đội chiến đấu. (Ảnh tư liệu của Công ty Gang thép Thái Nguyên)
Lực lượng tự vệ gang thép phối hợp cùng bộ đội chiến đấu. (Ảnh tư liệu của Công ty Gang thép Thái Nguyên)

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cán bộ, công nhân Khu Gang thép Thái Nguyên đã nêu cao chủ nghĩa Anh hùng cách mạng, thể hiện bản lĩnh, ý chí trong sản xuất, chiến đấu bảo vệ nhà máy, bảo vệ thành phố và chi viện cho tiền tuyến. Những cống hiến hy sinh của đội ngũ áo thợ đã góp phần cùng quân dân cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 1/1/1964, trong lần về thăm Khu Gang thép lần thứ 3, Bác Hồ căn dặn: “Để làm ra gang thép tốt thì người công nhân và cán bộ phải tôi luyện tinh thần cách mạng, lập trường giai cấp và ý thức làm chủ cho cứng rắn như thép như gang, nhất là cán bộ đảng viên, đoàn viên phải làm như thế”.

Thực hiện lời dạy của Bác, toàn công trường dồn dập những chiến dịch thi công các công trình nhằm sớm có thép cho Tổ quốc. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, ngày 5/8/1964, chiến tranh leo thang, đế quốc Mỹ đưa máy bay ném bom phá hoại miền Bắc. Khu Gang thép cùng lúc thực hiện  hai nhiệm vụ: Vừa tập trung thi công, vừa tổ chức lực lượng sẵn sàng đánh địch trong mọi tình huống. Chỉ trong vòng 4 ngày, toàn công trường đã có trên 4.000 người đăng ký gia nhập lực lượng tự vệ chiến đấu.

Thời điểm này, công trường Khu Gang thép có 27.279 cán bộ, công nhân, tất cả đều tình nguyện thực hiện cuộc vận động “Tăng năng suất lao động chống Mỹ cứu nước”, hơn 1.000 tổ sản xuất đăng ký “Làm thêm giờ, nhận thêm việc chống Mỹ cứu nước”. Khu Gang thép kéo còi ngày làm việc 9 giờ, đẩy nhịp độ xây dựng lên cao nhất.

Đến giữa năm 1965, nhiều công trình quan trọng đã được đưa vào sản xuất như: Nhà máy điện Thái Nguyên, Mỏ sắt Trại Cau, Luyện Gang với 3 lò cao, Vật liệu chịu lửa, Luyện Cốc, Lò bằng số 1 và các công trình phục vụ luyện thép, hệ thống cơ khí sửa chữa, đường sắt, động lực…

Chiến tranh diễn ra ngày càng ác liệt. Tháng 8-1965, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định tạm dừng một số công trình trọng điểm của Khu Gang thép. 13.000 cán bộ, công nhân được điều động lên đường làm nhiệm vụ tại các vùng, miền, trên tuyến lửa và sang nước bạn làm nhiệm vụ quốc tế. Chỉ 2 tháng, Công ty Gang thép đã sơ tán 19.000 tấn thiết bị và các trường học, bệnh viện, kho tàng; đào 71km giao thông hào, xây dựng 42.000 căn hầm trú ẩn.

Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến”, hàng nghìn cán bộ công nhân viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, trong đó có nhiều lá đơn viết bằng máu. 2.000 chiến sĩ được Quân đội lựa chọn và biên chế thành “Tiểu đoàn 6 Gang thép” và “Tiểu đoàn 9 Gang thép” lên đường ra trận. Với 100% quân số là công nhân Gang thép, trên chiến trường, hai tiểu đoàn đều chiến đấu dũng cảm, lập công xuất xắc. “Tiểu đoàn 6 Gang thép” được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và có 2 cá nhân là Anh hùng Quân đội.

Từ tháng 4-1966, Khu Gang thép là một trong những trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Các nhà máy, xưởng, mỏ và ga Lưu Xá, ga Lập Tầu, cầu Trà Vườn chìm trong lửa đạn. Các cán bộ, công nhân vẫn bám trụ trên từng vị trí sản xuất và chiến đấu với tinh thần “bám máy, bám lò”, “vững tay búa, chắc tay súng”. Nhiều người đã anh dũng hy sinh khi lò cao đang sản xuất như: Bùi Đình Đáng (xưởng Động lực), Lê Duy Lân (xưởng Vật liệu chịu lửa)…

Thực hiện phương châm “vừa sản xuất, vừa chiến đấu”, lực lượng tự vệ Khu Gang thép được tổ chức tại tất cả các đơn vị. Các đại đội pháo bám trận địa và từng điểm cao bắn máy bay Mỹ. Nhiều đại đội bộ binh triển khai đội hình sẵn sàng thực hiện phương án chống địch đổ bộ bằng đường không. Lưới lửa hiệp đồng tác chiến từ hỏa lực pháo phòng không của tự vệ Gang thép và lực lượng vũ trang thành phố đã giữ cho ánh lửa lò cao luôn tỏa sáng.

Trong những năm tháng vừa sản xuất, vừa chiến đấu, Khu Gang thép có 112 cán bộ, công nhân hy sinh, 226 người bị thương. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, năm 1999 lực lượng tự vệ Công ty Gang thép Thái Nguyên vinh dự được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Chiến tranh đã lùi xa, dấu tích bom đạn kẻ thù dần khuất lấp dưới những công trình mới. Nhưng trong tâm thức của những người làm Gang thép, khúc ca hào hùng của một thời hoa lửa vẫn ngân vọng. Hình ảnh những chiến binh mặc áo thợ trong những năm tháng khốc liệt ấy luôn sáng mãi...

Phan Thái (TP. Thái Nguyên)