Cập nhật: Chủ nhật 21/08/2022 - 16:43
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.

Ngày 21-8, tại trụ sở Bộ Y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững". Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Theo Bộ Y tế, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, ngành y tế đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách do đại dịch COVID-19 để thực hiện kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, đạt được những kết quả tích cực và quan trọng.

Ngành Y tế cũng đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và kịp thời chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Tuy nhiên, hệ thống y tế còn những tồn tại, hạn chế chưa được giải quyết triệt để trong giai đoạn trước; sau hơn 2 năm chống dịch COVID-19 đã nảy sinh thêm những khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn “hậu COVID” ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến khó lường, khó dự đoán; xuất hiện các biến thể mới có khả năng lây lan mạnh hơn làm số ca nhiễm có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.

Cùng với đó là sự bùng phát của dịch sốt xuất huyết tại nhiều tỉnh, thành phố, nhất là tại khu vực phía nam, Tây Nguyên; thường trực nguy cơ xâm nhập của các bệnh dịch nguy hiểm mới nổi như bệnh đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân... dẫn đến nguy cơ “dịch chồng dịch”, nguy cơ quá tải hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở vốn đã gồng mình chống dịch trong giai đoạn vừa qua.

Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Hội nghị.

Thời gian tới, mô hình bệnh tật thay đổi với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm, sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi; sự thay đổi về nhân khẩu học với tỷ lệ người cao tuổi tăng cao; toàn cầu hóa, đô thị hóa và biến đổi khí hậu tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân.

Xu hướng thị trường hóa, tư nhân hóa và xã hội hóa trong chăm sóc sức khỏe đặt ra nhiều thách thức trong việc xây dựng một hệ thống y tế theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.

Kinh tế phát triển cũng dẫn đến nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng cao, kỳ vọng nhiều hơn vào việc cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng, kịp thời.

Dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác y tế trong giai đoạn vừa qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Về cơ bản, ngành y tế đạt được các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao; đồng thời đạt được một số kết quả chủ yếu dưới đây:

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) tăng từ 81,7% năm 2016 lên 91,01% năm 2021 (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 80% năm 2020 sớm hơn 4 năm). Ước vượt chỉ tiêu giao năm 2022 của Quốc hội và Chính phủ về số bác sĩ trên 10.000 dân, đạt 10 bác sĩ (chỉ tiêu giao là 9,4/10.000); số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 30,5 giường bệnh (chỉ tiêu giao là 29,5/10.000).

Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ lĩnh vực y tế. Trong giai đoạn 2000-2021: Tỷ số tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống đã giảm 3,75 lần; tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi và dưới 1 tuổi giảm xấp xỉ 3 lần.

Tầm vóc người dân được cải thiện rõ rệt, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng từ 152,3cm năm 2000 lên 155,6cm năm 2020 đối với nữ; và từ 162,3cm năm 2000 lên 168,1cm năm 2020 đối với nam, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Thái Lan và Malaysia), tương đương thời kỳ vàng của Nhật Bản về tăng chiều cao thanh niên trong giai đoạn 1955-1995.

Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của người dân là tăng từ 72,9 tuổi năm 2010 lên 73,6 năm 2021, cao hơn trung bình thế giới (73) và nhiều nước có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương. Chỉ số bao phủ dịch vụ y tế của Việt Nam đạt 70 trên 100 điểm, cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (61 điểm) và của toàn cầu (67 điểm) theo báo cáo giám sát thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện năm 2021.

Sản xuất vaccine trong nước bảo đảm 11/12 loại vaccine tiêm chủng, góp phần bảo đảm an ninh vaccine quốc gia; hệ thống quốc gia về vaccine của Việt Nam (NRA) đã được WHO đánh giá và công nhận; làm chủ các công nghệ và kỹ thuật quan trọng trong sàng lọc, phát hiện tác nhân gây bệnh dịch nguy hiểm (sởi, sốt xuất huyết, SARS, cúm A,…).

Việt Nam là quốc gia có số liều vaccine phòng COVID-19 sử dụng và tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên thế giới; hiệu suất sử dụng vaccine cao và tốc độ tiêm nhanh; tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trên tổng dân số cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới; tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia phát triển như: Hoa Kỳ, Đức, Italia, Pháp...

Việt Nam đã làm chủ công nghệ ghép tạng và ghép được 6/6 tạng chủ yếu, làm chủ các công nghệ phẫu thuật nội soi và can thiệp tim mạch, châm cứu với chi phí giảm từ 1/2 đến 1/3.

Một số kỹ thuật cao đã được quốc tế cử chuyên gia đến học, mời báo cáo, trình diễn kỹ thuật tại các hội nghị chuyên ngành lớn tại các nước (phẫu thuật nội soi, can thiệp tim mạch, châm cứu,...).


Theo nhandan.vn