P.V: Đồng chí có thể thông tin về công tác chuẩn bị các điều kiện của ngành Giáo dục nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch năm học 2022-2023?
PGS-TS Phạm Việt Đức: Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục duy trì tốt công tác phòng, chống dịch; đồng thời tiến hành rà soát và tích cực chuẩn bị các điều kiện đảm bảo yêu cầu công tác dạy - học, đặc biệt là các lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đồng thời chỉ đạo Công ty CP Sách và Thiết bị trường học cung ứng đầy đủ, kịp thời sách giáo khoa cho học sinh trước năm học mới. Toàn ngành tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch Tủ sách dùng chung tại tất cả các trường, trong đó quan tâm hỗ trợ sách giáo khoa cho các trường học ở khu vực miền vúi, vùng khó khăn.
Để đảm bảo các điều kiện dạy và học, ngành Giáo dục và các địa phương cũng từng bước bổ sung, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, trong đó ưu tiên đầu tư, trang bị đối với khối lớp 3, lớp 7 và lớp 10.
Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động, linh hoạt xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch dạy học với nhiều kịch bản trong từng tình huống cụ thể. Năm học này, các trường sẽ tăng cường củng cố kiến thức cho học sinh sau thời gian học trực tuyến của năm học trước.
P.V: Một trong những yếu tố quyết định chất lượng dạy và học là đội ngũ giáo viên (GV), đồng chí có thể nói rõ hơn về công tác tập huấn, triển khai sách giáo khoa mới ở các cấp học trong toàn tỉnh?
PGS-TS Phạm Việt Đức: Ngành Giáo dục đã chỉ đạo các nhà trường rà soát, xác định GV thuộc đối tượng đi đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn và nâng chuẩn. Đến nay, toàn ngành đang cử 1.321 GV đi đào tạo (mầm non 401 người, tiểu học 781 người, THCS 139 người). Theo kế hoạch, trước năm 2025, 100% GV trong toàn tỉnh sẽ đạt chuẩn đào tạo.
Về công tác bồi dưỡng thường xuyên, theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và đội ngũ thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thực hiện xong. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành bồi dưỡng cho 487 cán bộ quản lý cốt cán, GV cốt cán các cấp, 11.805 cán bộ quản lý đại trà và GV đại trà, đảm bảo tất cả cán bộ quản lý và gv các cấp học có đủ năng lực triển khai chương trình giáo dục mới đối với các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10.
P.V: Hiện nay, khó khăn lớn nhất của ngành Giáo dục là thiếu biên chế. Để đảm bảo đủ GV theo định mức giảng dạy, Ngành có giải pháp gì để tuyển dụng, sắp xếp đội ngũ GV, thưa đồng chí?
PGS-TS Phạm Việt Đức: Năm học 2021-2022, toàn ngành có 18.217 biên chế, trong khi định mức theo quy định là 22.693 biên chế. Như vậy, Thái Nguyên hiện đang thiếu 4.476 biên chế. Trong khi những năm gần đây, số lớp, học sinh mầm non, phổ thông đều tăng cao.
Năm học 2002-2023, Thái Nguyên được giao bổ sung 1.157 biên chế GV, trong khi hằng năm các đơn vị đều phải giảm tối thiểu 2,5% biên chế. Căn cứ số biên chế được giao thêm, Sở GD&ĐT đang rà soát đội ngũ, phối hợp với Sở Nội vụ và các địa phương khẩn trương tổ chức tuyển dụng, trong đó ưu tiên tuyển GV để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời tiếp tục sắp xếp lại các cơ sở giáo dục, điểm trường, số học sinh trên lớp tối đa theo quy định của cấp học để giảm số lớp, giảm số GV theo định mức.
Trước mắt, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện tốt cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục công lập để thực hiện thuê, khoán GV giảng dạy trong điều kiện thiếu biên chế theo định mức. Đồng thời điều động, biệt phái GV; sắp xếp GV thực hiện dạy liên trường đối với một số môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, tiếng Anh...
P.V: Năm học mới đã cận kề, đồng chí có nhắn nhủ gì tới cán bộ, GV, học sinh toàn tỉnh?
PGS-TS Phạm Việt Đức: Đến nay, các trường học trong tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết và có phương án để khai giảng năm học mới. Chủ đề của năm học 2022-2023 là “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động GD&ĐT”. Vì vậy, ngành Giáo dục Thái Nguyên quyết tâm đổi mới toàn diện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học với phương châm: “Lấy học sinh làm trung tâm”; “Lấy nhà trường làm nền tảng”, “Lấy thầy giáo làm động lực”.
Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm học mới trong điều kiện vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, tôi đề nghị cán bộ quản lý, đội ngũ GV các cơ sở giáo dục nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học. Chúc các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục và các em học sinh, học viên cùng các bậc phụ huynh an toàn trước dịch bệnh, không ngừng phấn đấu và đạt được nhiều thành tích hơn nữa trong năm học mới.