Những người “đầu bếp” tận tụy
Khi kim đồng hồ chạm mốc 17 giờ, cán bộ, nhân viên trong cơ quan người dắt xe rời trụ sở, người thay đồ xuống sân làm mấy séc cầu lông “xả xì-trét” cũng là lúc Phòng Thư ký - Tòa soạn bắt đầu bước vào khung giờ “căng” nhất trong ngày.
Hình ảnh dễ gặp lúc này là tại tầng 2, phòng trung tâm, Thư ký Tòa soạn Trần Quốc Nguyên mắt dán vào màn hình máy vi tính, điện thoại kẹp tai, tay gõ bàn phím liên tục - anh đang “tổng chỉ huy” công việc “bếp núc” cho số báo ngày hôm sau.
Phòng kế bên, Họa sĩ trình bày báo Thanh Hạnh và kỹ thuật viên mi báo Vương Quyên mải miết dàn trang; các biên tập viên nhanh chóng chuyển tin, bài lên hệ thống. Tất cả phối hợp nhịp nhàng, mặc cho bên ngoài đang “tưng bừng nhảy múa” bởi đã hết giờ làm việc hành chính. Tưởng số báo ngày mai xong đến nơi, chợt Thư ký Tòa soạn chạy sang nhăn nhó “Hỏng rồi ông họa sĩ ơi”. Họa sĩ Thanh Hạnh dừng tay di chuột “Hỏng cái gì”? “Ảnh kèm tin đầu vị trang 1, không chọn được cái nào”… Đó là một buổi chiều như bao buổi chiều của Phòng Thư ký Tòa soạn cơ quan Báo.
Nhà báo Trần Quốc Nguyên, Trưởng phòng Thư ký Tòa soạn trải lòng: Thư ký Tòa soạn được coi là người “đầu bếp” tận tụy. Công việc “bếp núc” mang tính chất đặc thù được gói gọn trong 8 chữ “rát tai, chai đít, công ít, tội nhiều”. Làm ở Phòng Thư ký Tòa soạn nghĩa là chấp nhận “lệch pha” với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp về mặt thời gian. Đa phần cán bộ, viên chức trong phòng xong việc khi bữa cơm tối của các gia đình đã kết thúc.
Công việc thường ngày của các “đầu bếp” là từ nguồn nguyên liệu của các phòng phóng viên, các bộ phận sẽ lần lượt chế biến, trình bày bảo đảm hấp dẫn với bạn đọc nhất có thể. Mỗi bộ phận đều có những yêu cầu khắt khe riêng. Bộ phận trình bày báo vừa nhanh tay nhanh mắt lại phải có khiếu thẩm mỹ. Bộ phận biên tập tin, bài không chỉ cần trang bị, tích lũy cho mình phông kiến thức mà còn phải rèn luyện tính cẩn trọng, nhẫn nại và cầu thị.
Nhưng, dù có cố gắng đến mấy thì những “tai nạn” nghề nghiệp vẫn không thể tránh khỏi ở tất cả các bộ phận. Thậm chí là những sai sót ở vị trí tưởng như không thể xảy ra, như tít tin, bài ở trang 1. Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Phòng Thư ký Tòa soạn cũng thực hiện tốt công tác tham mưu với Ban Biên tập trong việc tổ chức nội dung, hình thức trình bày của từng số báo, vừa đáp ứng yêu cầu tiếp nhận thông tin của độc giả, vừa bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích của tờ báo Đảng. Để mỗi sớm mai, khi những tờ báo đến tay bạn đọc có nhiều thông tin hữu ích, niềm vui của chúng tôi cũng được đong đầy...
Nhìn lâu, nghĩ sâu, chạm tới từng số phận
Trăm năm làn điệu Soọng cô, Ngân thiêng lời sông núi, Gửi vào sóng biếc bao lời đắm say, Đêm năm ấy - Đèo Giàng… là những tít bài khá ấn tượng mà bạn đọc thường thấy trên các ấn phẩm của Báo Thái Nguyên thời gian gần đây.
Những cái tít đó bắt nguồn từ một chuyển động nhỏ trong Tòa soạn. Tháng 4-2020, Ban Biên tập quyết định thay đổi đề mô và các chuyên mục trên báo Thời sự hằng ngày, báo Thái Nguyên Chủ nhật và ấn phẩm Thái Nguyên Hằng tháng. Theo đó, chuyên mục Phóng sự - Ghi chép ra đời và Tổ phóng viên báo Chủ nhật - Hằng tháng cũng được thành lập để “nuôi” chuyên mục. Những tay viết trong Tòa soạn vốn đã quen tên với bạn đọc, có thâm niên, cá tính và phong cách riêng trong sử dụng ngôn ngữ, như: Ngọc Chuẩn, Huệ Dinh, Linh Lan… được Ban Biên tập lựa chọn, gửi gắm “niềm tin yêu, hy vọng”.
Không phụ sự trông đợi của Ban Biên tập, những “đứa con tinh thần” mang sắc thái riêng của chuyên mục đều đặn xuất hiện trên báo Thái Nguyên Chủ nhật, Thái Nguyên Hằng tháng và nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Tổ phóng viên báo Chủ nhật - Hằng tháng được anh chị em trong Tòa soạn gọi vui là Tổ “sống chậm”, bởi các tác phẩm không “nóng”, mà lắng đọng, có hồn. Người viết luôn hướng ngòi bút đến từng ngóc ngách của đời sống xã hội, dấn thân và sống đời sống của nhân vật; vận dụng các giác quan để cảm nhận, sử dụng ngôn ngữ chuyển tải thông điệp chân - thiện - mỹ đến bạn đọc.
Nhà báo Linh Lan, một thành viên trong Tổ chia sẻ: Để thực hiện các tác phẩm phóng sự, ghi chép, đối với mỗi sự vật, hiện tượng, người viết phải nhìn lâu, nghĩ sâu; đối với nhân vật thì phải chạm đến từng số phận để thấu hiểu, đồng cảm, lúc đó bài viết mới đủ sức tác động tới xúc cảm của người đọc.
Chịu khó tìm đề tài, luôn sáng tạo trong cách thể hiện, đặc biệt là kết hợp nhuần nhuyễn giữa báo chí và văn học, Tổ phóng viên Chủ nhật - Hằng tháng đã “nuôi” chuyên mục Ghi chép - Phóng sự “sống khỏe” gần 3 năm nay. Nhiều tác phẩm đã đạt tiêu chí càng đọc càng thấm, nhất là những bài viết về vùng sâu, xa, về những phận người bất thường giữa cuộc đời vốn rất bình thường…
Cơ sở gọi, chúng tôi lên đường
Phóng viên Báo Thái Nguyên tác nghiệp phản ánh tình hình mưa lũ tại xã Bình Thuận (Đại Từ) cuối tháng 5-2022. Ảnh: T.L
Đang nghiên cứu tài liệu tại Tòa soạn, nhà báo Quốc Tuân nhận được tin nhắn điện thoại với nội dung: “Cảm ơn các anh. Không có Báo Thái Nguyên, người dân chúng tôi không biết làm thế nào”. Anh cho biết đó là lời cảm ơn từ một công dân ở xã Thành Công (TP. Phổ Yên) - người cung cấp thông tin tới Báo Thái Nguyên qua “đường dây nóng”. Từ nguồn tin này, nhóm phóng viên Quốc Tuân - Nguyên Ngọc đã đi tìm hiểu thực tế tại xóm Đầm Đanh, xã Thành Công và thực hiện bài viết “Cần xử lý triệt để bãi rác tự phát ở xã Thành Công”. Sau khi báo đăng tải, chính quyền địa phương đã kiểm tra, yêu cầu xử lý.
Những bài viết thời sự như trên thời gian gần đây được Báo Thái Nguyên thực hiện ngày càng nhiều hơn, nhất là từ khi cơ quan thành lập Tổ phóng viên cơ động - đa phương tiện. Anh em trong cơ quan gọi vui đây là “lực lượng phản ứng nhanh”, bởi chỉ cần có “lệnh”, trong vòng “một nốt nhạc”, kíp phóng viên với đầy đủ phương tiện sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.
Tác phong làm báo ngày vốn đã được duy trì tại Báo Thái Nguyên từ nhiều năm nay, nhưng với Tổ phóng viên cơ động - đa phương tiện thì tác phong làm việc đã được đẩy lên thành làm báo giờ. Các thành viên của Tổ được Ban Biên tập lựa chọn khá kỹ từ đội ngũ phóng viên trong Tòa soạn. Cùng với bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, các thành viên trong Tổ phải là những nhà báo “nảy số” cực nhanh, có khả năng “chinh chiến” trên mọi mặt trận và khỏe về thể chất.
Nhà báo Nguyên Ngọc, người được Ban Biên tập tin tưởng lựa chọn vào Tổ và giao thực hiện nhiều đề tài “nóng”, chia sẻ: Khi nhận nhiệm vụ, ban đầu tôi cũng lo, nhưng rồi được lãnh đạo cơ quan “cầm tay chỉ việc”; các phòng tạo điều kiện tốt nhất có thể nên tôi cũng dần quen. Giờ đây, điệp khúc “sáng giao, trưa viết, chiều đăng” đã trở thành chuyện thường ngày đối với các thành viên trong Tổ. Khi nào cơ sở gọi, lãnh đạo giao việc là chúng tôi lên đường…