Dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh (ảnh).
Tại Hội nghị, các đại biểu được thông tin về Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Sau đó, các đại biểu nghe báo cáo tham luận xoay quanh chủ đề này, như: Công tác xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới GD&ĐT; công tác chỉ đạo triển khai của Đoàn, Hội, Đội về các giải pháp phối hợp với ngành Giáo dục; những giải pháp nâng cao nhiệm vụ xây dựng văn hóa học đường…
Đối với tỉnh Thái Nguyên, năm học 2021-2022, các trường học trên địa bàn đã tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và văn hóa ứng xử trong giai đoạn 2021-2025. Các Nhà trường đã tập trung xây dựng kế hoạch tổ chức giáo dục phẩm chất lễ phép, thân thiện, trung thực và trách nhiệm; xây dựng tiêu chí về văn hóa ứng xử cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên và học sinh. Đồng thời chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình tư tưởng của học sinh và xử lý kịp thời những vấn đề khó khăn, bức xúc trong nhà trường...
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nhấn mạnh: Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: Văn hoá là một trong bốn trụ cột của quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam, trong đó “lấy nhân tố con người làm trung tâm”.
Đồng chí khẳng định, xây dựng văn hoá học đường để rèn luyện nhân cách, lối sống và giáo dục học sinh, sinh viên trở thành những công dân phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức với gia đình, bản thân và cộng đồng là nhiệm vụ quan trọng, luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm và chỉ đạo sát sao. Đây là nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho toàn xã hội, cho mỗi bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương nói chung và Bộ GD&ĐT nói riêng.