Theo đánh giá của TP. Sông Công, dù sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển công nghiệp, nguồn lao động dồi dào, song những kết quả đạt được của địa phương trong lĩnh vực này chưa thực sự tương xứng. Thành phố chưa thu hút được nhiều dự án có hàm lượng công nghệ cao, một số dự án đã đi vào hoạt động còn gây ô nhiễm môi trường...
Trên cơ sở các hạn chế này, TP. Sông Công triển khai "Chương trình thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ giai đoạn 2021-2025". Trong đó, nhiều giải pháp phát triển công nghiệp được các cấp chính quyền đẩy mạnh, như: phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Sông Công II và các cụm công nghiệp trên địa bàn; thực hiện chủ trương mở rộng quy mô Khu công nghiệp Sông Công II lên 550ha, đồng thời điều chỉnh diện tích Khu công nghiệp Sông Công I cho phù hợp; hoàn thiện đồng bộ hạ tầng các cụm công nghiệp, phấn đấu đến năm 2025, có 4/4 cụm công nghiệp (Nguyên Gon, Khuynh Thạch, Bá Xuyên, Lương Sơn), tỷ lệ lấp đầy đạt trên 90%...
Ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế TP. Sông Công, cho biết: Cùng với những giải pháp nêu trên, thành phố đã thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và phát triển sản xuất - kinh doanh.
Hằng năm, TP. Sông Công chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tiến hành rà soát để tham mưu điều chỉnh, loại bỏ những thủ tục hành chính không phù hợp, gây phiền hà đến hoạt động của các doanh nghiệp. Đặc biệt, Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của thành phố chính thức đi vào hoạt động năm 2021 đã góp phần quan trọng xây dựng chính quyền số, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Sông Công cũng tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, thu hút các doanh nghiệp xây dựng mới, mở rộng quy mô nhà máy. Trong 5 năm trở lại đây, trên địa bàn thành phố đã có 47 dự án được triển khai, với tổng số vốn trên 3.800 tỷ đồng, góp phần tạo việc làm mới cho khoảng 1.400 lao động mỗi năm.
Khu công nghiệp Sông Công II được mở rộng là điều kiện thuận lợi để TP. Sông Công đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Cùng với đó, công tác giải phóng mặt bằng cũng được TP. Sông Công tập trung chỉ đạo quyết liệt. Hằng năm, địa phương thực hiện rà soát quỹ đất, ưu tiên bố trí mặt bằng cho các dự án phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, cơ sở sản xuất - kinh doanh, làng nghề.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với 26 dự án phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, khu dân cư (tăng 23,8% so với cùng kỳ), tổng diện tích đất thu hồi trên 17,4ha. Đối với từng dự án, địa phương đều xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết và phân công nhiệm vụ cho các phòng, ban liên quan. Lãnh đạo thành phố cũng thường xuyên đồng hành với chủ đầu tư để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.
Đại diện Công ty TNHH Doosun Việt Nam (thuộc Cụm công nghiệp Nguyên Gon) chia sẻ: Trước nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất thêm 1,4ha, đơn vị đã được các cấp, ngành chức năng của tỉnh và TP. Sông Công xem xét giải quyết, phối hợp giải phóng mặt bằng trong thời gian sớm nhất để xây dựng nhà xưởng. Trong quá trình hoạt động, Công ty luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương để hoạt động sản xuất - kinh doanh diễn ra thuận lợi.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay, sản xuất công nghiệp của TP. Sông Công đã có bước phát triển mạnh mẽ, tạo điểm nhấn trong bức tranh kinh tế - xã hội tại địa phương. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, toàn thành phố có 32 doanh nghiệp được thành lập mới; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 5.400 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ lấp đầy tại Khu công nghiệp Sông Công II đạt khoảng 80%, các cụm công nghiệp đạt 60-80%...
Cùng với sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP. Sông Công tiếp tục gia tăng về quy mô và số lượng, với khoảng 300 doanh nghiệp đang hoạt động. Những kết quả đạt được trong lĩnh vực này đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương… Sông Công đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất ngành công nghiệp trên địa bàn đạt trên 20.000 tỷ đồng.