Là một trong những hộ làm chè lâu năm ở Tân Cương, được sự hỗ trợ, hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, gia đình anh Phạm Hồng An, xóm Hồng Thái 2, đã tham gia mô hình trồng chè theo phương pháp hữu cơ trên diện tích 1.000m2. Đây là mô hình do Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật Thái Nguyên phối hợp với Công ty CP Hoàng Anh Agritech (Vĩnh Phúc) triển khai từ năm 2021.
Canh tác theo phương pháp này, gia đình anh An đã chuyển toàn bộ sang dùng phân bón hữu cơ để chăm sóc cho cây chè. Nhờ được hướng dẫn kỹ lưỡng và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất, chất lượng sản phẩm chè của gia đình anh được cải thiện rõ rệt.
Anh An cho hay: Nhà tôi có hơn 1ha chè, chủ yếu là giống chè LDP1. Trước đây, gia đình áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, tất cả mọi hoạt động tác động lên nương chè đều phải ghi chép vào nhật ký; phân bón sử dụng theo tiêu chuẩn nhưng vẫn có thành phần hóa học nhất định. Với mục tiêu đưa sản phẩm chè tốt nhất đến với thị trường, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho môi trường sống, gia đình tôi đã chuyển hoàn toàn sang sử dụng phân bón hữu cơ. Sau một thời gian canh tác theo phương pháp hữu cơ, tôi thấy cây chè khỏe, lá xanh, búp dày hơn. Đặc biệt, nước chè xanh, vị thơm đượm, ngậy béo. Giá bán nhờ thế cũng tăng lên đáng kể. Hiện nay, gia đình đang bán chè búp khô bình quân từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/kg, cao hơn gần gấp đôi so với trước đây.
Cũng là hộ tham gia mô hình trồng chè theo phương pháp hữu cơ, với diện tích 5.000m2, chị Bùi Thị Hà, ở xóm Hồng Thái 1 nhận thấy khá rõ sự thay đổi của nương chè. Đó là đất trồng chè tơi xốp, nhiều mùn, bộ rễ của cây phát triển khỏe, khả năng hấp thu dinh dưỡng tốt hơn rất nhiều. Chị Hà chia sẻ: Tôi không dùng phân bón hóa học mà chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ gần 2 năm nay. Tôi thấy cây chè vẫn khỏe; búp có sức vươn tốt, mập và non lâu; khi chế biến búp chè có độ dính cao.
Để giúp bà con nắm rõ quy trình sử dụng phân bón hữu cơ đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất, thời gian qua, Công ty CP Hoàng Anh Agritech đã lấy mẫu đất phân tích, tư vấn sản phẩm phân hữu cơ phù hợp với cây chè cho người dân vùng Tân Cương. Công ty cũng phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, TP. Thái Nguyên tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc chè cho bà con nông dân.
Nhờ đó, chè trồng theo phương pháp hữu cơ ngày càng phát triển tốt, năng suất tăng từ 10-15%, sản phẩm cho giá trị cao hơn từ 2 đến 3 lần so với chè canh tác theo phương thức truyền thống. Hiện nay, người sản xuất chè theo hướng hữu cơ trên địa bàn xã Tân Cương đang bán sản phẩm với giá bình quân từ 1-2 triệu đồng/kg, tùy loại. Với lý do đó, nhiều hộ đã dần chuyển từ việc canh tác sử dụng phân bón hóa học sang sử dụng các loại phân bón hữu cơ để chăm sóc cho diện tích chè của gia đình.
Theo số liệu thống kê, với 350ha chè trên địa bàn, đến nay, xã Tân Cương có khoảng 35-40% diện tích đã và đang được chăm sóc theo hướng hữu cơ. Kỹ sư Ma Thị Thúy Phương, Thanh tra Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật Thái Nguyên, thông tin: Theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng như của tỉnh, việc phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ là định hướng chung của toàn ngành để hướng đến một nền nông nghiệp an toàn và bền vững.
Trước xu hướng chuyển đổi sang nền “nông nghiệp xanh”, sản xuất hữu cơ là điều tất yếu khi nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng tăng cao. Qua đó, có thể thấy sự thay đổi phương thức sản xuất của người làm chè Tân Cương nói riêng, chè Thái Nguyên nói chung đang là hướng đi đúng, từng bước đưa sản phẩm của vùng đất "Đệ nhất danh trà" bay xa trên trường quốc tế.