Nhiều doanh nghiệp (DN) xây dựng trên địa bàn phản ánh, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, giá một sô loại vật liệu xây dựng liên tục tăng. Cụ thể, xi măng tăng 200.000 đồng/tấn tùy thương hiệu; đá xây dựng tăng 30% so với cùng kỳ, tương đương 300 nghìn đồng/m3; cát tăng 15-20% so với cùng kỳ, thép xây dựng tăng cao hơn 40% so với cùng kỳ. Tình trạng giá nguyên - nhiên - vật liệu tăng cao khiến cho các đơn vị thi công xây dựng bị đội vốn sản xuất, áp lực về tiến độ thực hiện các dự án.
Ông Dương Viết Văn, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Minh Long Thái Nguyên – doanh nghiệp chuyên thi công các công trình xây dựng dân dụng, than thở: Sắt, thép, xi măng chiếm 80% chi phí xây dựng nên giá nguyên vật liệu tăng khiến các công trình xây dựng bị đội vốn thêm từ 5-10%, đặc biệt là làm cho thị trường xây dựng dân dụng gần như bị “đóng”.
Từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Minh Long Thái Nguyên không ký được hợp đồng thầu xây dựng nào. Trước khó khăn này, Công ty buộc phải cắt giảm hơn 50 hợp đồng lao động; đồng thời chờ đợi thị trường xây dựng khởi sắc trở lại.
Giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao còn “bào mòn” lợi nhuận của các nhà thầu thi công. Ông Hoàng Văn Hà, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hà Phát, cho biết: Giá nguyên vật liệu tăng cao, trong khi các đơn vị đã ký hợp đồng theo hình thức đơn giá cố định, khởi công từ những năm 2020 - 2021 nên không được điều chỉnh giá hoặc không được thanh toán các chi phí phát sinh. Trước áp lực đảm bảo tiến độ các dự án và duy trì hoạt động, nhiều doanh nghiệp chấp nhận giảm lợi nhuận.
Cùng với giá nguyên - nhiên - vật liệu tăng cao, hiện nay, các DN xây dựng còn phải đối mặt với khó khăn nữa là giá vận chuyển vật liệu xây dựng, chi phí nhân công tăng...
Ông Hà Văn Tùng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Tùng Dương, cho hay: Hiện, giá vận chuyển vật liệu san lấp tăng gấp 2 lần so với trước đây, tương đương khoảng 32.000 đồng/m2 đất/km; chi phí nhân công cũng tăng lên từ 50-100 nghìn đồng/người/ngày. Chúng tôi đã cố gắng tìm giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu, nhưng không thể bù đắp được chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay. Do đó, Công ty phải duy trì thi công cầm chừng để chờ giá vật liệu xây dựng bình ổn trở lại.
Theo ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch Hội DN TP. Phổ Yên: Hiện nay, Hội có 143 hội viên hoạt động trên các lĩnh vực chủ yếu là đầu tư xây dựng, thương mại - dịch vụ. Giá nguyên -vật - liệu tăng cao đã khiến cho doanh thu, lợi nhuận của các DN không đạt như kỳ vọng. Trong đó, chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả là các nhà thầu xây dựng do đã ký hợp đồng trọn gói từ trước. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp tìm cách thích ứng như: Giảm lợi nhuận, duy trì thi công cầm chừng, thậm chí bù lỗ để bảo đảm tiến độ các công trình xây dựng theo hợp đồng...
Để tháo gỡ khó khăn trên, thời gian qua, Hội DN TP. Phổ Yên tuyên truyền, vận động các hội viên tăng cường giao thương nội bộ, hỗ trợ nhau về giá bán. Cùng với đó, tại kỳ họp HĐND các cấp và đối thoại với lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh vừa qua, Hội đã kiến nghị cần có giải pháp kiềm chế lạm phát; điều chỉnh giá nguyên - nhiên - vật liệu sát với giá thị trường theo từng tháng; cơ quan nhà nước tiếp tục hỗ trợ vay vốn sản xuất, kinh doanh, gia hạn thời gian đóng bảo hiểm xã hội, thuế... cho các DN - ông Nguyễn Văn Cường cho biết thêm.