Chúng tôi đến thăm nhà anh Nguyễn Văn Úy, xóm Hòa Lịch, xã Trung Lương, đúng vào dịp gia đình anh được khai thác tỉa cây quế. Anh Úy trồng quế theo Dự án của huyện Định Hóa với diện tích 2ha, từ năm 2017. Đến nay rừng quế bắt đầu cho tỉa thưa cành và lá, đem lại nguồn thu nhập đầu tiên.
Anh Úy chia sẻ: Trước khi trồng quế, gia đình tôi đã trồng keo trong suốt hàng chục năm, tuy nhiên, qua các lứa, do đất bị bạc màu, mất nước nên cây keo cho giá trị kinh tế ngày càng thấp. Chuyển sang trồng quế, gia đình tôi thấy được hiệu quả kinh tế cao hơn rõ rệt. Đợt này, nhà tôi tỉa thưa được trên 2 tấn cành, lá, với giá bán khoảng 1.500 đồng/kg, tôi thu về gần 30 triệu đồng. Từ năm thứ 8 trở đi, rừng quế sẽ cho tỉa thưa mỗi năm một lần và sản phẩm cành, lá tỉa thưa tăng lên, đem về nguồn thu ngày một lớn. Theo thông tin thị trường những năm gần đây và tính toán chi phí chăm sóc, mỗi chu kỳ phát triển của cây quế (khoảng 15-20 năm) sẽ cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha.
Không chỉ gia đình anh Úy, từ năm 2015 đến nay, toàn xã Trung Lương đã trồng 120,5ha quế. Mỗi năm, xã trồng thêm được trên 20ha quế. Tiêng từ đầu năm đến nay, bà con địa phương đã trồng trên 40,5ha quế, đạt 200% so với kế hoạch huyện giao. Trong đó, nhiều diện tích trồng đợt đầu đã cho tỉa thưa, bước đầu đem lại nguồn thu nhập cho người trồng rừng.
Công nhân Công ty TNHH Vũ Hoa (thị trấn Chợ Chu, Định Hóa) sơ chế cành, lá từ cây quế.
Tương tự, tại Quy Kỳ - một trong những xã có diện tích trồng quế nhiều nhất huyện Định Hóa, với trên 680ha, mỗi năm địa phương trồng mới 20-50ha quế. Hiện nay, toàn xã có khoảng trên 250ha quế đã cho thu hoạch tỉa.
Ông Luân Đức Quỳnh, Chủ tịch UBND xã Quy Kỳ, cho biết: Những hộ đầu tiên được thu hoạch tỉa thưa cây quế đem về giá trị kinh tế đã thu hút sự quan tâm của các hộ cùng làng, cùng xã. Dù là tỉa thưa, sản phẩm phụ, nhưng có thu nhập ngay nên đã tạo sức lan tỏa rộng trong cộng đồng. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi rừng keo, mỡ lâu năm, đất bạc mầu sang trồng quế.
Theo tính toán, so với các loại cây lâm nghiệp trồng trên đất đồi rừng ở các xã miền núi, cây quế cho thu hoạch sớm nhất và kéo dài nhiều năm. Chỉ sau 2-3 năm, bà con đã có thể tỉa thưa khai thác và mỗi năm, sản lượng tỉa thưa ngày một tăng lên theo quá trình khép tán của cây. Hiện nay, nhiều hộ dân có diện tích rừng lớn thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ thu hoạch tỉa cành, lá quế. Đó chính là động lực để người dân Định Hóa gắn bó với rừng và "thâm canh" đất lâm nghiệp.
Trên thực tế, cây quế đã có mặt ở Định Hóa từ khoảng 30 năm trước và được đánh giá là phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và tập quán sản xuất ở địa phương. Tất cả các thành phần từ cây quế như lá, cành, vỏ, thân đều được tận dụng để chế biến thành các sản phẩm phong phú mà ít có loại cây trồng nào có được.
Theo thống kê, đến nay, toàn huyện Định Hóa đã trồng được trên 3.400ha quế, diện tích cho thu hoạch tỉa thưa cành, lá khoảng 500-600ha. Mỗi năm, huyện trồng mới từ 500ha quế trở lên. Địa phương đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ có 10.000ha quế, cơ bản hình thành vùng nguyên liệu. Qua đó thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến tinh đầu và các sản phẩm từ cây quế.
Ông Hoàng Văn Thắng, Phó trưởng Ban quản lý rừng ATK Định Hóa quả quyết: So sánh với các loại cây khác như keo, mỡ thì cây quế cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều, vừa có thể làm dược liệu, vừa cho khai thác gỗ... Tuy nhiên, cây quế cần sự chăm sóc nhiều hơn so với các loại cây khác trong khoảng 3 năm đầu tiên. Khi cây đã khỏe, khép tán, mỗi năm bà con có thể tận thu bằng cách tỉa thưa, đồng thời có thể tận dụng đất để trồng các lâm sản phụ ở tấng thấp.