Cập nhật: Thứ năm 25/08/2022 - 09:40
Sẽ không trẻ em nhiễm HIV nào bị từ chối điều trị và bị bỏ lại phía sau. Ảnh minh họa
Sẽ không trẻ em nhiễm HIV nào bị từ chối điều trị và bị bỏ lại phía sau. Ảnh minh họa

Một liên minh toàn cầu đang hướng tới ngăn ngừa nhiễm mới HIV cho trẻ sơ sinh và sẽ không có trẻ em nào nhiễm HIV bị từ chối điều trị vào cuối thập niên này.

Vừa qua, sự kiện bệnh nhân thứ tư trên thế giới được chữa khỏi hoàn toàn tình trạng nhiễm HIV và ung thư máu sau khi cấy ghép tế bào thành công là một tín hiệu vui, mở ra hy vọng sống với những trẻ em không may bị mắc căn bệnh thế kỷ AIDS.

Theo Báo cáo cập nhật về tình hình bệnh AIDS toàn cầu 2022 của UNAIDS (Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS) trên toàn cầu cho thấy chỉ 52% trẻ em nhiễm HIV được điều trị cứu sống, trong khi tỷ lệ này ở người lớn là 76%.

Trước thực trạng đó, hàng loạt tổ chứ quốc tế như UNAIDS, UNICEF, WHO và các đối tác đã thành lập một liên minh toàn cầu với mục tiêu bảo đảm không còn trẻ em nào nhiễm HIV bị từ chối điều trị vào cuối thập niên này, đặc biệt tiến tới ngăn ngừa nhiễm HIV cho trẻ sơ sinh mới.
Từ đây, các nhân vật đứng đầu đã công bố thành lập Liên minh toàn cầu về chấm dứt bệnh AIDS ở trẻ em (GAEAC) tại Hội nghị AIDS quốc tế diễn ra ở Montreal, Canada. Dự kiến, GAEAC sẽ hoạt động trong 8 năm, đến năm 2030.

GAEAC xác định bốn mục tiêu hành động chính bao gồm thu hẹp khoảng cách điều trị cho trẻ em gái vị thành niên mang thai và cho con bú, phụ nữ sống chung với HIV và tối ưu hóa việc điều trị thường xuyên; phòng ngừa và phát hiện các ca nhiễm HIV mới ở trẻ em gái, trẻ vị thành niên đang mang thai và cho con bú; tạo điều kiện thuận lợi cho việc xét nghiệm, điều trị tối ưu và chăm sóc toàn diện cho trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên bị phơi nhiễm và sống chung với HIV và giải quyết các quyền lợi, vấn đề bình đẳng giới cũng như các rào cản trong việc tiếp cận các dịch vụ điều trị.

Với sự phát triển của nền y học hiện đại, ngày càng có nhiều phương pháp điều trị HIV, cho phép người nhiễm loại virus này có thể sống hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường. Do đó, sẽ ngày càng có nhiều trẻ em nhiễm HIV được sống khỏe mạnh, kéo dài cuộc sống. Theo các chuyên gia, nếu một người nhận kết quả dương tính với HIV được hướng dẫn các phương pháp điều trị thích hợp, kết hợp sử dụng thuốc kháng HIV (ARV) hằng ngày để giảm lượng virus trong cơ thể đến mức không thể phát hiện, thì người đó sẽ không thể truyền mầm bệnh cho người khác.

Một ngọn lửa hy vọng lại được thắp lên. Vào tháng 12/2021, Cơ quan Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt một loại thuốc tiêm đầu tiên để phòng, chống HIV. Ở thời điểm đó, PrEP là tên để gọi các loại thuốc được FDA cấp phép và phê duyệt để dự phòng HIV hoặc dự phòng trước phơi nhiễm.

Tất cả đều là thuốc uống giúp ngăn chặn HIV xâm nhập vào tế bào nhằm ngăn ngừa lây nhiễm. Các loại PrEP có thể giảm đến 99% nguy cơ lây nhiễm HIV khi quan hệ tình dục. Đây là con số do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đưa ra nếu tuân thủ nghiêm liều dùng thuốc.

Nêu cao tinh thần "phòng bệnh hơn chữa bệnh", các tiến bộ trong ngăn ngừa HIV còn đạt đến độ rất đáng tin cậy trong dự phòng sau phơi nhiễm, hay còn gọi là PrEP. Theo đó, chỉ cần uống các thuốc này ngay lập tức hoặc trong vòng 72 giờ sau khi bị phơi nhiễm hoặc có khả năng bị phơi nhiễm HIV, sẽ giúp ngăn chặn virus. Đây là các biện pháp khẩn cấp để phòng, chống HIV và phải duy trì thuốc mỗi ngày liên tục trong bốn tuần.

Về vaccine phòng HIV, hãng Moderna thông báo đang tiến hành các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu của công nghệ vắc xin mRNA. Công ty công nghệ sinh học của Mỹ đã hợp tác với Tổ chức phi lợi nhuận Sáng kiến vaccine AIDS để phát triển thuốc tiêm ngừa dùng công nghệ tương tự vaccine COVID-19 đã gây được tiếng vang thời gian qua.


Theo Tiengchuong.vn