Duyên phận với nghề
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, có bố là thầy thuốc đông y, năm 1969, thanh niên Trần Văn Nhân nhập ngũ, sau đó tham gia Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào trong đội hình Tiểu đoàn 923, Đoàn 766, Bộ Tư lệnh 959.
Mùa Hè năm 1969, sau khi kết thúc khóa huấn luyện tân binh tại Sư đoàn 304B đứng chân trên địa bàn huyện Phú Bình (Thái Nguyên), Trần Văn Nhân cùng hàng nghìn thanh niên trang lứa nhận nhiệm vụ lên đường tham gia đánh giặc. Sau nhiều ngày hành quân bộ, rồi lại đi tàu hỏa, đến địa phận Thanh Hóa, ông cùng khoảng 500 chiến sĩ được lệnh tập trung hành quân xuyên rừng qua cửa khẩu Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, sang đất Sầm Nưa phối hợp cùng bộ đội Pathét Lào tiến đánh phỉ Vàng Pao. Số còn lại thì tiếp tục đi tàu vào Nam tham gia chiến trường B.
Nhớ kỷ niệm trận đầu tham gia đánh giặc, ông bồi hồi kể lại: Tháng 12-1969, sau khi đơn vị tổ chức ăn Tết 22-12 sớm, chúng tôi bắt đầu tiễu phỉ. Do vũ khí trang bị cho bộ đội lúc đó còn khá lạc hậu so với địch nên cuộc chiến rất cam go và kéo dài. Với 1 khẩu trung liên RBD, vài quả lựu đạn cán dài, 1 bi đông nước và 1 túi nhỏ gạo rang làm lương thực, tôi đã xung phong một mình trấn giữ quả đồi ngay sát bản do phỉ Vàng Pao chiếm giữ và hoàn thành tốt nhiệm vụ nên được đơn vị biểu dương.
Ông kể tiếp: Sau nhiều trận chiến đấu, do có chút ít kinh nghiệm cứu thương nên tôi được đào tạo tại chức gấp và trở thành y tá chiến trường. Cũng bắt đầu từ đây, tôi chính thức bén duyên với nghề y. Tôi còn nhớ kỷ niệm trận chiến tại điểm cao Hội Chén, thuộc tỉnh Sầm Nưa (Lào) vào khoảng tháng 9-1971, trận này do quân ta hy sinh và bị thương khá nhiều, cấp trên hạ lệnh rút ra. Là y tá tải thương nên tôi là người rút cuối đội hình, chịu trách nhiệm chuyển một đồng chí chiến sĩ bị thương ra ngoài. Anh ấy nặng hơn 60kg mà tôi lúc đó thì ốm nhom, chỉ nặng khoảng hơn 40kg một chút. Giờ nhớ lại, bản thân cũng không hiểu sao lúc đó mình lại khỏe đến thế. Cũng nhờ những thành tích trong tham gia chiến đấu mà đến cuối năm 1971, tôi đã được đơn vị xét kết nạp Đảng. Sự kiện này như một động lực, một cú hích lớn, giúp tôi trở nên mạnh mẽ hơn.
Với vai trò là y tá chiến trường, Trần Văn Nhân đã cho thấy sự gan dạ, dũng cảm của mình khi liên tục vượt qua mưa bom, bão đạn, vận chuyển nhiều thương binh về tuyến sau an toàn.
Đến đầu năm 1972, trong một trận chiến đấu ác liệt, ông trúng đạn, bị thương nặng, phải về trạm quân y điều trị. Tháng 7-1972, ông được cử ra Bắc học tại Trường Trung cấp Quân y 1 (nay là Trường Cao đẳng Quân y 1). Năm 1978, ông được cử đi đào tạo bác sĩ tại Học viện Quân y, đến năm 1982 về công tác tại Sư đoàn 431, Quân khu 1... Sau thời gian trực tiếp công tác ở cơ sở và tham gia phục vụ chiến đấu, năm 1984, ông được điều động làm Trợ lý Phòng Quân y (Cục Hậu cần Quân khu 1).
Hết mình vì sự nghiệp cứu người
Trên cương vị, nhiệm vụ được giao là Trợ lý Phòng Quân y (Cục Hậu cần Quân khu 1) bác sĩ Trần Văn Nhân đã tham mưu, đề xuất với Chủ nhiệm Quân y để báo cáo trên phê duyệt và triển khai công tác bảo đảm quân y, chăm sóc sức khỏe bộ đội phù hợp với điều kiện thực tiễn, hướng về cơ sở, đặc biệt là góp phần để Quân khu 1 trở thành điểm sáng, lá cờ đầu trong thực hiện Chương trình kết hợp quân - dân y (Chương trình 12), giai đoạn 1992-2005.
Triển khai Chương trình 12, ông đã trực tiếp cùng đoàn công tác lên nhiều xã vùng cao của các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên. Mỗi chuyến đi như vậy kéo dài từ 1 đến 2 tuần, khám, chữa bệnh miễn phí cho hàng nghìn người dân.
Trong những chuyến đi đó, bác sĩ Nhân nhớ nhất lần ông tham gia Đoàn công tác của Bệnh viện Quân y 110 lên huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng vào năm 1995 để khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân nơi đây.
Thời điểm đó, cuộc sống người dân huyện Hà Quảng còn rất khó khăn, nhiều người không có điều kiện khám, chữa bệnh tại bệnh viện. Người có điều kiện cũng khó khăn vì đường sá đi lại từ nhà tới bệnh viện tỉnh gập ghềnh, quanh co, phải mất nhiều giờ đi đường, thậm chí cả ngày mới tới nơi. Vì vậy, nhiều người dân chấp nhận tự chữa bệnh hoặc sống chung với bệnh trong thời gian dài.
“Tôi nhớ nhất trường hợp một cụ già người dân tộc thiểu số. Bà cụ có dáng người gầy gò, thấp bé, hai tai gần như không nghe thấy gì. Cụ kể với tôi rằng những năm trước, cụ đã đi khám tai ở nhiều nơi nhưng không chữa được. Lần này, biết tin có các bác sĩ quân đội lên khám cho nhân dân nên cụ đến khám với hy vọng các bác sĩ giúp tai cụ nghe lại được.” - Bác sĩ Nhân nhớ lại.
Sau khi trực tiếp khám và phát hiện trong tai của cụ có dị vật khiến cả hai bên tai không nghe được, bác sĩ Nhân đã bàn bạc với đồng nghiệp và tư vấn cho bệnh nhân. Đồng thời, ca tiểu phẫu lấy dị vật trong tai được khẩn trương tiến hành trong khoảng nửa giờ và thành công, giúp tai cụ nghe bình thường trở lại.
“Sau ca phẫu thuật, cụ vừa khóc vừa cảm ơn chúng tôi. Cụ còn chúc chúng tôi có thật nhiều sức khỏe để có thể khám, chữa bệnh cho nhiều người. Lời chúc ấy đã tiếp thêm tinh thần cho các y, bác sĩ trong Đoàn công tác hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.." - Bác sĩ Nhân chia sẻ.
Với những đóng góp cho ngành Y, năm 1995, bác sĩ Trần Văn Nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chương trình kết hợp quân dân y. Năm 2005, ông vinh dự nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba và được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú.
Phát huy những kiến thức y học được đào tạo trong quân đội, kết hợp với nghề đông y gia truyền của gia đình, 12 năm qua, ông vẫn tiếp tục cống hiến bằng việc mở phòng khám tại nhà riêng ở tổ dân phố số 5, phường Tân Thịnh, TP. Thái Nguyên, để khám, chữa bệnh cho người dân.
Hiện nay, Đại tá, cựu chiến binh, Thầy thuốc Ưu tú Trần Văn Nhân là Chủ tịch Hội Đông y phường Tân Thịnh với 15 hội viên, trong đó có 5 bác sĩ là bộ đội về hưu. Hằng năm, Hội tổ chức khám và cấp thuốc miễn phí cho hàng trăm người dân địa phương. Cùng với đó, Hội tích cực phát triển và nhân rộng các mô hình trồng cây thuốc nam, hướng dẫn bà con địa phương trồng cây thuốc để tự chữa bệnh và cải thiện đời sống. Đặc biệt, trong các đợt dịch COVID-19 bùng phát, ông và các hội viên trong Hội đã tình nguyện tham gia cùng lực lượng y tế địa phương thực hiện xét nghiệm và tiêm vắc-xin cho người dân trên địa bàn... Những việc làm thiết thực đó đã góp phần giúp cho y đức của những người thầy thuốc cựu chiến binh như ông luôn tỏa sáng, tô thắm phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”.