Bởi đây chính là “chìa khóa” mở ra sự kết nối mạnh mẽ với thị trường lao động quốc tế và bảo đảm hài hòa thị trường lao động nội địa. Xa hơn, là giải quyết vấn đề việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội…
Phát triển vượt bậc về quy mô và chất lượng
Sau 35 đổi mới đất nước, thị trường lao động Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế. Theo đó, hệ thống pháp luật được hoàn thiện tương đối đồng bộ và toàn diện. Đặc biệt, Bộ luật Lao động năm 2019 và các luật liên quan cùng các văn bản hướng dẫn triển khai được sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với thực tiễn, tạo hành lang pháp lý để phát triển thị trường lao động.
Các giải pháp mạnh mẽ để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút vốn đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trong thời gian qua đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Các chính sách, chương trình và giải pháp tạo việc làm cũng được triển khai đồng bộ, tích cực, hiệu quả. Nguồn cung lao động cho thị trường không ngừng gia tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng.
Từ xấp xỉ 28 triệu người vào năm 1986, lực lượng lao động của cả nước đã tăng lên tới hơn 51 triệu người vào giữa năm 2022. Tỷ lệ lao động qua đào tạo vào năm 2015 là 49% thì 6 tháng đầu năm 2022 là 67%. Cầu lao động cũng tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng theo hướng hiện đại và bền vững.
Trong giai đoạn 2011-2019, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 1,6 triệu lượt người, tỷ lệ thất nghiệp thường xuyên duy trì ở mức dưới 3%. Các năm 2020 - 2021, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22% (tăng 0,54%) và dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, song thị trường lao động đã tiếp tục phục hồi nhanh chóng trong 8 tháng năm 2022.
Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, có trên 600.000 lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với thu nhập ổn định, gửi về nước lượng kiều hối lớn, khoảng 3,5 tỷ USD/năm. Số lượng lao động đưa đi tăng dần các năm, trung bình tăng 10%/năm…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường lao động Việt Nam cũng còn tồn tại những hạn chế. Nổi lên là chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động.
Trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động mặc dù được cải thiện trong thời gian qua, song vẫn còn thấp so với yêu cầu của thị trường và so với các nước trên thế giới, tiếp tục là điểm nghẽn cho phát triển việc làm chất lượng và năng suất. Năm 2021, tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ chỉ đạt 26,1% và có sự chênh lệch tương đối lớn giữa khu vực thành thị với nông thôn, giữa lao động nam và lao động nữ. Chất lượng lao động Việt Nam cũng có sự chênh lệch rất lớn giữa các vùng.
Trong so sánh quốc tế, xếp hạng trụ cột kỹ năng và chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam thuộc nhóm cuối của ASEAN. Nhìn chung, trình độ tay nghề, kỹ năng của lực lượng lao động Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt thiếu kỹ năng mềm.
Việt Nam hiện thiếu chuyên gia và quản lý doanh nghiệp giỏi, lao động lành nghề cho các ngành kinh tế mũi nhọn, các vùng kinh tế động lực, trọng điểm. Đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ còn thiếu và yếu. Những hạn chế này đã cản trở sự đóng góp của nguồn nhân lực cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Đặc biệt, trình độ lao động thấp sẽ rất khó dịch chuyển sang các ngành nghề, công đoạn có giá trị gia tăng.
Tận dụng cơ hội để phát triển nhanh, bền vững
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, sự phát triển của các chuỗi giá trị toàn cầu thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng của thị trường lao động, di chuyển lao động giữa các nước, đang đòi hỏi người lao động không những phải có kỹ năng nghề cao mà phải có kỹ năng mềm, có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế với những tiêu chuẩn, tiêu chí do thị trường lao động xác định. Trong bối cảnh đó, Việt Nam phải tuân thủ các “luật chơi” chung, bao gồm các tiêu chuẩn về lao động, tiêu chuẩn về quản trị thị trường lao động hiện đại theo chuẩn mực quốc tế.
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đặt ra những vấn đề mới; nhiều việc làm, kỹ năng cũ sẽ mất đi hoặc giảm mạnh, xuất hiện nhiều việc làm mới, kỹ năng mới; trí tuệ nhân tạo, robot, máy móc sẽ đóng vai trò ngày một lớn trong sản xuất và thay thế nhiều vị trí việc làm hiện tại.
Mặc dù còn những hạn chế, tồn tại, song, theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thị trường lao động Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều cơ hội, nếu tận dụng được “chắc chắn sẽ có thể phát triển nhanh, bền vững như kỳ vọng”.
Để thực hiện quản trị và phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trước mắt là tăng cường công tác thông tin truyền thông để khẳng định với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước: Thị trường lao động Việt Nam minh bạch, hệ thống giáo dục quốc dân, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đủ điều kiện, khả năng để cung ứng nhân lực theo yêu cầu của các doanh nghiệp.
Một giải pháp trọng tâm khác là khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực. Đặc biệt là đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Về lâu dài, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. Đồng thời nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động; thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế.
Cũng để phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác định: Cần nghiên cứu, rà soát, đánh giá năng lực hệ thống các cơ sở đào tạo, các kiến nghị và đóng góp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) để kịp thời triển khai các giải pháp đào tạo, nâng cao năng lực kỹ năng nghề cho công nhân lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp cho người lao động cả trước, trong, sau quá trình tham gia thị trường lao động…