Cập nhật: Thứ bẩy 27/08/2022 - 11:42
Ngoài giờ học, các em học sinh Trường Tiểu học Sông Cầu (Đồng Hỷ) được tham gia các hoạt động ngoại khóa theo sở thích.
Ngoài giờ học, các em học sinh Trường Tiểu học Sông Cầu (Đồng Hỷ) được tham gia các hoạt động ngoại khóa theo sở thích.

Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Chỉ sau đó một ngày (ngày 3-9), trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra 6 vấn đề cấp bách, trong đó, mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ là nhiệm vụ quan trọng thứ hai sau chống giặc đói. Mặc dù lúc đó, điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn, nhưng ngay sau lời phát động diệt “giặc dốt” của Bác, UBND cách mạng lâm thời các địa phương đã hưởng ứng rộng khắp. Cùng với cả nước, nhân dân Thái Nguyên đồng lòng diệt "giặc dốt".

Tháng 10-1945, cùng với việc thành lập Ty Bình dân học vụ, công tác chuẩn bị giáo viên, cùng các đồ dùng dạy học tối thiểu cho các lớp diệt “giặc dốt” được triển khai khẩn trương. Tháng 11-1945, khóa học Bình dân học vụ đầu tiên được mở trong toàn tỉnh. Từ đây, công cuộc xóa nạn mù chữ ở Thái Nguyên nhanh chóng trở thành phong trào quần chúng rộng lớn.

Nhớ lại những ngày đi dạy Bình dân học vụ, ông Cao Xuân Mai, 89 tuổi, ở xóm Gò Chè, xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên) hào hứng kể: Lớp học đơn sơ, ngoài bảng, phấn thì chỉ có một cái bàn to cho mọi người ngồi xung quanh. Cả lớp có khoảng 12-13 người, chủ yếu là thanh niên. Việc dạy học chỉ tranh thủ tổ chức vào buổi trưa hoặc tối. Buổi tối học, thầy và trò dùng đèn hoa kỳ để chiếu sáng. Những người tham gia được học cách đánh vần, viết và những phép tính cộng trừ đơn giản. Bác Hồ nói “những người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ, những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết đi”. Tôi tự hào vì mình đã góp phần nhỏ bé vào công cuộc diệt “giặc dốt” của tỉnh.

Ông Cao Xuân Mai (bên trái), là một trong những người đầu tiên dạy Bình dân học vụ tại Thái Nguyên (Ảnh: Trần Thép)

Theo dòng lịch sử ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên, tháng 2-1946, Ty Bình dân học vụ tổ chức bế giảng khóa học đầu tiên. Cả khóa đã mở được 669 lớp Bình dân học vụ, với 921 giáo viên tham gia và hàng vạn học viên tham dự. Qua kiểm tra, hàng nghìn người đã thoát mù chữ.

Tiếp sau đó, để tạo điều kiện cho con em Thái Nguyên không phải về Hà Nội học trung học, tháng 10-1946, Ủy ban hành chính tỉnh quyết định thành lập trường trung học đầu tiên của tỉnh mang tên Trường Trung học Lương Ngọc Quyến (nay là Trường THPT Lương Ngọc Quyến). Sự kiện này đánh dấu một bước phát triển mới của ngành Giáo dục tỉnh nhà.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), việc xây dựng “Cả nước trở thành một xã hội học tập” đã trở thành khẩu hiệu chiến lược trong tình hình mới. Vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lại các cơ sở sản xuất công nghiệp, tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo ngành Giáo dục đẩy mạnh việc phổ cập giáo dục tiểu học, xoá mù chữ. Các nhà trường hăng hái tổ chức rà soát, thống kê, vận động những người chưa biết chữ đi học lớp bổ túc văn hoá.

Sau nhiều năm triển khai, đến năm 2002, Thái Nguyên được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ. Tháng 10-2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục công nhận Thái Nguyên là tỉnh thứ 21 trong toàn quốc đạt chuẩn Quốc gia phổ cập THCS, về đích trước 1 năm so với kế hoạch tỉnh giao.

Các trường phổ thông dân tộc nội trú được tỉnh đầu tư hiện đại, thu hút 8% con em dân tộc thiểu số vào học tập.

Thực hiện có hiệu quả chủ trương "Cả nước trở thành một xã hội học tập", hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều xây dựng được trung tâm học tập cộng đồng. Các trung tâm đã thoả mãn nhu cầu “cần gì học nấy”, tạo cơ hội học suốt đời cho mọi người.

Cùng với hệ thống giáo dục cả nước, ngành Giáo dục của tỉnh Thái Nguyên trải qua 77 năm xây dựng, phát triển và đã đạt được những bước phát triển vượt bậc. Hệ thống trường lớp ngày càng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, các loại hình đào tạo được đa dạng hoá. Với bề dày truyền thống và là trung tâm giáo dục thứ ba của cả nước, ngành Giáo dục Thái Nguyên đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài phục vụ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh.

Năm học 2021-2022, Thái Nguyên có 697 cơ sở giáo dục, trong đó, tỷ lệ trường đạt chuẩn là 87,46%. Tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia, Thái Nguyên có 57 học sinh đạt giải (3 giải Nhất, 10 giải Nhì, 18 giải Ba, 26 giải Khuyến khích)... Tại Cuộc thi Nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp Quốc gia, tỉnh có 3 dự án đạt giải Nhất, 1 dự án đạt giải Tư và có 1 dự án đã vinh dự nằm trong 7 dự án được tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật quốc tế năm 2022 tại Hoa Kỳ.
Hằng Nga