Tuy nhiên, thời gian qua, do thiếu hiếu biết, đã có những người bệnh ở Thái Nguyên mắc ung thư vú nhưng lại tự điều trị tại nhà dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Đơn cử như trường hợp bệnh nhân T.T.S, 58 tuổi, mới đây đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trong tình trạng vú trái lở loét, bốc mùi hôi thối do tự đắp lá điều trị ung thư vú. Thời điểm nhập viện, khối u sùi loét to chiếm gần hết vùng ngực trái xâm lấn trực tiếp vào cơ ngực, xương sườn, di căn hạch và di căn xa nhiều nơi.
Đây là một trường hợp đáng tiếc bởi trước đó người bệnh đã đi khám và phát hiện mắc u vú trái. Thời điểm đó, khối u còn nhỏ được đánh giá ở giai đoạn sớm, tiên lượng rất tốt có khả năng chữa khỏi hoàn toàn nếu điều trị theo đúng phác đồ. Sau một thời gian tự đắp lá thuốc tại nhà, khối u của bệnh nhân phát triển ngày càng to, chiếm gần hết diện tích vùng ngực trái, biến dạng sùi loét, chảy máu, sức khỏe giảm sút, ăn uống kém và sút cân.
Ngoài trường hợp bệnh nhân S, bệnh nhân L.T.T, 57 tuổi cũng đã bị ảnh hưởng nặng khi tự điều trị ung thư vú tại nhà bằng việc đắp lá thuốc. Bệnh nhân cũng đã từng đi khám và tình cờ phát hiện có khối u ở vú trái hơn 1 năm trước. Thời điểm phát hiện, khối u còn nhỏ và không có triệu chứng nên bệnh nhân không đi viện khám mà lấy lá thuốc nam đắp. Sau 6 tháng điều trị, khối u không hết mà ngày càng to lên kèm theo xuất hiện nhiều hạch vùng nách cổ sưng đau, khiến cho sức khỏe bệnh nhân ngày càng giảm sút, ăn uống kém, gầy sút cân nhanh chóng. Khi bệnh nhân đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trong tình trạng tức ngực, khó thở, khối u đã sưng to, di căn hạch vào phổi khiến bệnh nhân khó thở, đau tức ngực và sưng nề cánh tay phải.
Các bác sĩ của Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) nhận định, cả hai bệnh nhân đều đã bỏ qua thời gian vàng để có thể điều trị khỏi bệnh. Bởi vậy, việc điều trị sẽ mất thời gian hơn, tốn kém hơn mà kết quả điều trị không cao như mong muốn.
Ths. Bs. Lý Thị Thu Hiền, Trung tâm Ung bướu, khuyến cáo: Cho đến nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ung thư vú. Dù vậy, có nhiều yếu tố nguy cơ đã được biết đến như tiền sử gia đình mắc ung thư vú hoặc bất cứ phụ nữ nào cũng có nguy cơ mắc bệnh, nhất là những phụ nữ từ 40 tuổi trở lên. Có thể điều trị hiệu quả ung thư vú nếu phát hiện sớm, vì vậy, tầm soát định kỳ (6 tháng/lần) là một yếu tố rất quan trọng giúp tăng tỷ lệ điều trị và hồi phục thành công. Khi phát hiện có những bất thường về vú, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám. Trong trường hợp phát hiện có các khối u ở vú, người bệnh không được chủ quan, tự đắp lá thuốc tại nhà mà phải đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị theo đúng phác đồ.
Hiện nay, tại Thái Nguyên, các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh như: A Thái Nguyên, C Thái Nguyên, Gang thép… đã khám tầm soát và điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân ung thư vú.
Đặc biệt, tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, việc phát hiện, điều trị ung thư vú đã được thực hiện với nhiều kỹ thuật rất hiện đại. Tiến sĩ, bác sĩ Vi Trần Doanh, Giám đốc Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), nói: Tại Trung tâm Ung bướu, việc điều trị ung thư vú đang được áp dụng nhiều phương pháp điều trị hiện đại, như: Phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, điều trị nội tiết, điều trị đích… mang lại hiệu quả điều trị rất khả quan, thậm chí nhiều trường hợp đến sớm có thể điều trị khỏi hoàn toàn.