Cách đây 105 năm, ngày 30/8/1917, cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên do Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo nổ ra làm rung chuyển chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương, gây chấn động dư luận thế giới. Lương Ngọc Quyến là một chí sĩ yêu nước, thành viên của tổ chức Việt Nam Quang phục hội. Ông bị giặc bắt và giam cầm ở nhiều nơi, cuối cùng là nhà tù của thực dân Pháp tại Thái Nguyên. Tại đây, Lương Ngọc Quyến gặp được người cùng chí hướng là Đội Cấn (tên thật là Trịnh Văn Đạt). Với tinh thần đấu tranh sục sôi, hai ông đã tập hợp những người cùng chung ý chí, gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa.
Đêm 30/8/1917, lệnh khởi nghĩa được phát ra. Cánh quân do Đội Cấn chỉ huy tiến đánh, tiêu diệt tên giám binh Noel cùng tay sai là Đội Hành, phó quản Lạp. Cánh quân do Đội Giá chỉ huy phá đề lao, diệt giám ngục Lô-ê, giải phóng hơn 200 tù nhân, trong đó có Lương Ngọc Quyến. Tiếp đó Đội Cấn kêu gọi, tập hợp đội ngũ với hơn 130 lính khố xanh ủng hộ. Nghĩa quân tôn Đội Cấn là Đại đô đốc, Lương Ngọc Quyến làm quân sư. Ngay trong đêm, nghĩa quân đánh chiếm tòa khâm sứ, nhà đoan, kho vũ khí, nhà dây thép... thu được nhiều súng đạn.
Sau khi làm chủ tỉnh lỵ, nghĩa quân tuyên bố thành lập Việt Nam Quang phục quân do Đội Cấn làm Đại đô đốc, Lương Ngọc Quyến làm quân sư. Nghĩa quân tuyên bố đặt Quốc hiệu là Đại Hùng, định Quốc kỳ là lá cờ nền vàng có 5 ngôi sao đỏ với 4 chữ “Nam binh phục quốc” tung bay trên Tỉnh lỵ Thái Nguyên. Một ngày sau khi làm chủ Tỉnh lỵ Thái Nguyên, Đội Cấn đã đưa ra bản tuyên ngôn thể hiện ý chí, khát vọng độc lập, tự do của nhân dân ta.
Trước sự lớn mạnh của nghĩa quân, ngày 31/8/1917, thực dân Pháp cấp tốc điều quân từ Hà Nội và Đáp Cầu lên Gia Sàng để đàn áp cuộc khởi nghĩa. Sáng 2/9, chúng mở cuộc tấn công với lực lượng rất mạnh gồm 2.000 quân có pháo binh yểm trợ. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, nghĩa quân đã anh dũng chiến đấu nhưng chịu nhiều thương vong, quân sư Lương Ngọc Quyến hy sinh, buộc Đội Cấn phải rút quân để bảo toàn lực lượng, vừa di chuyển vừa chiến đấu suốt gần 4 tháng trước sự truy đuổi gắt gao của thực dân Pháp. Nghĩa quân chiến đấu tới ngày 21/12/1917, sau nhiều lần đẩy lui các đợt tấn công của địch, trong hoàn cảnh bị địch bao vây, Đội Cấn đã tự sát để khỏi rơi vào tay giặc.
Mặc dù thất bại nhưng cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên do Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo đã giáng một đòn mạnh vào kế hoạch “dùng người Việt trị người Việt” của thực dân Pháp. Tinh thần yêu nước của Đội Cấn, Lương Ngọc Quyến và đông đảo các chiến sĩ là bất tử và sống mãi trong lòng nhân dân ta, góp phần tô thắm truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất của dân tộc…
Phát huy hào khí của cuộc khởi nghĩa, phong trào cách mạng ở Thái Nguyên tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945. Cách mạng Tháng Tám ở Thái Nguyên được các nhà nghiên cứu lịch sử nhận định là bộ phận quan trọng của Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 do Đảng và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo.
Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Thái Nguyên được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm “An toàn khu” kháng chiến. Trong đó, Thái Nguyên là vùng lõi của Chiến khu Việt Bắc, được gọi với cái tên thân thương Thủ đô kháng chiến. ATK Định Hóa là nơi Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ họp bàn và quyết định nhiều quyết sách quan trọng, đặc biệt là quyết định mở chiến dịch Biên giới năm 1950 và chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến trường kỳ, đưa nước ta bước sang một giai đoạn cách mạng mới.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến tranh bảo vệ biên giới, quân và dân tỉnh Thái Nguyên luôn là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Nơi đây đã ghi dấu sự hy sinh anh dũng của 60 thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái trong đêm Noel năm 1972 khi đang làm nhiệm vụ giải tỏa hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam. Quân và dân Thái Nguyên đã đóng góp xứng đáng cùng quân và dân cả nước hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên phạm vi cả nước.
Bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên luôn đoàn kết, sáng tạo, giữ vững niềm tin theo Đảng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ một tỉnh nghèo, kinh tế chậm phát triển, Thái Nguyên đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh có bước phát triển nhanh trong khu vực và cả nước.
Đến nay, Thái Nguyên đã đứng trong tốp 20 của cả nước về thu ngân sách; tốp đầu về thu hút đầu tư nước ngoài và giá trị xuất khẩu; đứng thứ 12 về chuyển đổi số... Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hiện đại, môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và hiệu quả. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Năm 2021, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân đầu người đạt 95,1 triệu đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn đạt trên 52 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,1%...
6 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh đạt 7,08%, thu ngân sách Nhà nước đạt trên 9.528 tỷ đồng; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 10,1%; giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 16,8 tỷ USD, tăng 29,9% so với cùng kỳ (trong đó xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 16,5 tỷ USD, tăng 29,8%).
Tự hào về truyền thống quê hương cách mạng, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân sẽ tiếp tục ra sức phấn đấu để hiện thực hóa khát vọng đưa Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du miền núi phía Bắc và Vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030, quyết tâm xây dựng Thái Nguyên “...trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta” như lời Bác Hồ căn dặn. Đó chính là việc làm cụ thể để tri ân sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha ông, gìn giữ và phát huy hào khí anh hùng, lòng yêu nước, khát vọng hùng cường của dân tộc đến muôn đời sau.