Theo các chuyên gia, Thái Nguyên là một trong những địa phương đầu tiên xây dựng và ban hành Nghị quyết chuyên đề về Chương trình chuyển đổi số (CĐS). Đặc biệt, để khẳng định quyết tâm CĐS, UBND tỉnh đã lấy ngày 31-12 hằng năm là Ngày CĐS nhằm giúp các ngành, địa phương trong tỉnh đánh giá, nhìn nhận kết quả thực hiện CĐS; tạo điều kiện để chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu các giải pháp, kết nối cung - cầu CĐS, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình CĐS…
Đồng chí Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên cho biết: Các ngành, địa phương trong tỉnh đang tích cực triển khai Chương trình CĐS nói chung, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số nói riêng và đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể, tỉnh đã hoàn thành cung cấp 100% các thủ tục hành chính mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, vượt chỉ tiêu có trên 80% dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4. Các hệ thống thông tin, nền tảng số dùng chung được tỉnh phát triển, khai thác hiệu quả, đặc biệt là hệ thống quản lý văn bản đi - đến và điều hành, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến góp phần cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn.
Từ khi Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh đi vào hoạt động (tháng 7-2020) đã tạo ra một góc nhìn bao quát trong mọi lĩnh vực. Qua đó hỗ trợ tích cực cho các cấp, ngành của tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động kinh tế - xã hội. Với nền tảng công nghệ hiện đại, Trung tâm Điều hành thông minh cho phép kết nối, trích xuất dữ liệu, tiếp nhận thông tin phản ánh của mọi người dân, doanh nghiệp để phục vụ công tác nghiên cứu, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan hành chính Nhà nước.
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Thái Nguyên ra đời sớm và đem lại hiệu quả thiết thực cho chính quyền, người dân địa phương. Thông qua hoạt động của Trung tâm, chính quyền các cấp trong tỉnh có thể nắm được các thông tin, lĩnh vực như phòng, chống dịch bệnh, an toàn giao thông, môi trường…; đồng thời người dân được tham gia quản lý xã hội. Những vấn đề người dân phản ánh được Trung tâm chuyển đến các cấp, ngành chức năng xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Người dân xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) tìm hiểu thông tin về hoạt động của chính quyền qua phần mềm C-ThaiNguyen.
Với quyết tâm xây dựng chính quyền đô thị thông minh, tỉnh đã tạo được nhiều đột phá về cải cách hành chính, đặc biệt là hiện đại hóa trong quản lý hành chính. Việc đẩy mạnh hoàn thiện Trung tâm Điều hành thông minh thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của tỉnh trong xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, hiệu quả, hướng đến xây dựng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại. Trong đó, tỉnh tập trung phát triển chính quyền số, phấn đấu trên 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; trên 70% trong tổng số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, trên 60% tại cấp huyện và trên 40% tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ những hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước).
Đồng thời, 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ của tỉnh và báo cáo thống kê phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống dùng chung. UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng đưa 100% cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trong toàn tỉnh; mở dữ liệu của các cơ quan Nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, trên 50% các hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước trong tỉnh được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý nhằm minh bạch hóa, giúp các tổ chức, cá nhân liên quan có thể nắm bắt, giám sát… Trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng 3 đô thị thông minh, gồm: TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công và TP. Phổ Yên.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu xây dựng chính quyền số, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung triển khai nhiều giải pháp cụ thể, như: Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua việc ứng dụng đa đạng các kênh truyền thông, nâng cao nhận thức, hình thành văn hóa số cho người dân, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ của Chính phủ số...
Thực hiện Chương trình CĐS, tỉnh cũng sẽ tập trung phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp, như: Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích trong việc triển khai chính quyền số và hỗ trợ các cá nhân, tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ triển khai, phát triển chính quyền số... Tỉnh ưu tiên xây dựng chính quyền số theo hình thức thuê dịch vụ CNTT do các doanh nghiệp CNTT cung cấp, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo quy định; ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng của các doanh nghiệp trong nước đáp ứng yêu cầu về an toàn thông tin, an ninh mạng theo quy định của pháp luật...
Để bảo đảm an toàn thông tin, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 246/KH-UBND, trong đó quy định rõ: 70% hệ thống thông tin của tỉnh được xác định cấp độ và triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ; 90% thiết bị đầu cuối được cài đặt giải pháp bảo vệ; 100% người đứng đầu các đơn vị, tổ chức Nhà nước được tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo đảm an toàn thông tin; trên 90% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan được tuyên truyền, phổ biến về thói quen, trách nhiệm và kỹ năng cơ bản trong bảo đảm an toàn thông tin; 80% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan được đào tạo, bồi dưỡng về bảo đảm an toàn thông tin…