Năm 2015, trên địa bàn tỉnh chỉ có 17 công chứng viên làm việc tại 08 tổ chức hành nghề công chứng (gồm 02 phòng công chứng trực thuộc Sở Tư pháp và 06 VPCC). Đến nay, toàn tỉnh đã có 18 tổ chức hành nghề công chứng (trong đó có 16 VPCC - tăng gấp 2 lần so với năm 2015).
Trung bình mỗi năm, các VPCC thực hiện trên 30 nghìn việc chứng thực với số phí thu được khoảng 6-8 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy, từ khi triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014 và thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, đội ngũ công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng đã phát triển khá nhanh về số lượng; đáp ứng nhu cầu của tổ chức, cá nhân.
Đến VPCC Ngọc Tiến (trên đường Bắc Kạn, TP. Thái Nguyên), chúng tôi thấy có khá nhiều người đến để thực hiện các giao dịch như: Chứng thực hồ sơ giấy tờ; làm hợp đồng mua bán, thế chấp; hợp đồng chuyển nhượng, tặng, cho nhà ở và quyền sử dụng đất…
Ông Nông Ngọc Tiến, Trưởng VPCC, cho biết: Để đáp ứng nhu cầu công việc của văn phòng cũng như tổ chức, người dân đến giao dịch, chúng tôi đầu tư đầy đủ các trang thiết bị như máy tính, máy in, máy photocopy, camera giám sát… Để đảm bảo việc công chứng, chứng thực đạt hiệu quả, tránh sai sót, đúng quy định của pháp luật, Văn phòng kiểm tra, thẩm định kỹ các nội dung trước khi ký tên, đóng dấu chứng thực.
Thực tế tại một số VPCC khác trên địa bàn tỉnh như: Bùi Hạ, An Chung, Trung Thành… chúng tôi cũng nhận thấy nhu cầu của tổ chức, cá nhân đối với hoạt động công chứng, chứng thực là khá lớn. Các VPCC có đầy đủ công chứng viên, nhân viên nghiệp vụ, trụ sở, cơ sở vật chất đảm bảo theo quy định của pháp luật. Người dân, tổ chức đến thực hiện giao dịch được nhân viên hướng dẫn khá tận tình, giải thích rõ những vấn đề còn băn khoăn, thắc mắc.
Chị Lưu Thị Dung, phường Trung Thành (TP. Thái Nguyên), cho biết: Tôi thường đến các VPCC để thực hiện những giao dịch như chứng thực hồ sơ, giấy tờ tùy thân và cả làm hợp đồng mua bán, thế chấp tài sản. Tôi thấy việc có nhiều tổ chức hành nghề công chứng cùng hoạt động đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, chúng tôi có nhiều sự lựa chọn hơn.
Xã hội hóa hoạt động công chứng là một trong những chủ trương đúng, phù hợp và sát với yêu cầu thực tế của xã hội. Đây là lĩnh vực có vai trò quan trọng, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, hoạt động công chứng trên địa bàn vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định. Số lượng công chứng viên đã được nâng lên nhưng vẫn còn hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, trước đây từng có công chứng viên vi phạm pháp luật trong hoạt động công chứng bị tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên (có thời hạn). Việc thực hiện các trình tự, thủ tục, địa điểm công chứng, thu phí công chứng chưa đúng quy định còn xảy ra đối với một số VPCC…
Bên cạnh đó, quy định VPCC tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh cũng gây xáo trộn, mất tính ổn định của các văn phòng. Kho lưu trữ hồ sơ công chứng thiếu khoa học và chưa đảm bảo về phòng cháy chữa cháy cũng là vấn đề đáng lưu tâm…
Để đảm bảo cho hoạt động công chứng đi vào nền nếp, chuyên nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát tại các tổ chức hành nghề công chứng, xử lý nghiêm các VPCC, công chứng viên khi phát hiện vi phạm; tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho công chứng viên, hạn chế đến mức thấp nhất các sai sót trong quá trình tác nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu chung về bất động sản (đất đai) để chia sẻ, kết nối thông tin với văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để tạo điều kiện thuận lợi cho các VPCC, phòng tránh rủi ro có thể xảy ra.