Cập nhật: Thứ tư 07/09/2022 - 15:45
BS. Nguyễn Duy Minh, phụ trách Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: Thùy Chi
BS. Nguyễn Duy Minh, phụ trách Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: Thùy Chi

Để kiếm soát số người lây nhiễm trong nhóm MSM, địa phương đẩy mạnh điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho người chưa nhiễm HIV nhưng có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV, đây là hoạt động chính và là xương sống nhằm can thiệp, giảm tỷ lệ nhiễm ở nhóm MSM.

Để hiểu rõ hơn về những kết quả, khó khăn và các giải pháp đặt ra trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phóng viên Trang tin Tiếng Chuông có dịp trao đổi với BS. Nguyễn Duy Minh, phụ trách Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM xu hướng tăng rõ rệt

Xin ông cho biết tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh hiện nay?

BS. Nguyễn Duy Minh: Tính đến 30/6/2022 số lũy tích nhiễm HIV tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 5.285 người, Trong đó, số người nhiễm HIV còn sống là 3.171 người. Trung bình trong 5 năm qua, mỗi năm tỉnh phát hiện khoảng 200 trường hợp nhiễm HIV. Riêng 6 tháng đầu năm 2022 phát hiện 102 ca HIV nhiễm mới và không có ca tử vong.

Về độ tuổi: Số người nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi từ 15-34 (chiếm 65%). Tuy nhiên, trong những năm gần đây số nhiễm HIV thuộc nhóm tuổi 15-24 có xu hướng tăng từ 5.1% (năm 2014) lên 25.1% (năm 2021).
Về đường lây nhiễm HIV: Đường lây truyền qua đường Quan hệ tình dục chiếm tỷ lệ ngày càng cao hiện nay và có xu hướng tăng dần từ 69,3% năm 2016 lên 86% năm 2021.

Về tình hình nhiễm HIV trong một số nhóm đối tượng nguy cơ cao: Theo kết quả từ hoạt động giám sát trọng điểm HIV lồng ghép hành vi tại tỉnh thì tỷ lệ nhiễm HIV ở trong các nhóm có hành vi nguy cơ cao như sau: Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM):16.5%; nhóm Nam nghiện chích ma túy (NCMT): 9%; phụ nữ bán dâm (PNBD): 3%.

Đánh giá chung về tình hình dịch HIV/AIDS tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: Dịch vẫn còn đang ở giai đoạn tập trung và được khống chế tốt, không có sự đột biến. Tỉ lệ hiện nhiễm HIV của tỉnh là 0,28% (đạt yêu cầu so với mục tiêu chung của Quốc gia là <0,3%). Tuy nhiên, cũng đã có một số vấn đề mới xuất hiện đòi hỏi tỉnh cần phải quan tâm giải quyết trong thời gian tới như vấn đề trẻ hóa trong số người mới nhiễm HIV; tình trạng lây nhiễm HIV qua đường tình dục; tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM có xu hướng tăng lên rõ rệt,…

Hiện lây nhiễm mới HIV gia tăng trong nhóm quan hệ tình dục, đặc biệt trong nhóm MSM, xin ông cho biết địa phương đang triển khai các hoạt động gì để giải quyết vấn đề này?

BS. Nguyễn Duy Minh: Theo kết quả giám sát trọng điểm năm 2011 thì tỉ lệ nhiễm HIV ở nhóm MSM là 2,25%, thấp hơn so với nhóm phụ nữ bán dâm (4%), nghiện chích ma túy (12%). Tuy nhiên theo khảo sát năm 2016, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm MSM là 15,3%, 2017 là 18,7%, năm 2018 là 16,5 % trong khi đó tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm khác ổn định (PNBD: 3%) hoặc giảm (NCMT: 9%). Như vậy có sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM.

Cùng với sự gia tăng các trường hợp lây truyền HIV qua con đường quan hệ tình dục thì sự gia tăng tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM là vấn đề mà tỉnh đã rất quan tâm. Do đó, từ năm 2016, tỉnh bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động can thiệp giảm hại ở nhóm MSM: Phát bao cao su, chất bôi trơn qua các các nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng MSM/nhân viên trạm y tế của các huyện/thị xã/thành phố.

Hiện tại, bên cạnh triển khai các hoạt động can thiệp giảm hại truyền thống. Tỉnh đã và đang tích cực triển khai thêm một số biện pháp, đó là: Tăng cường công tác tiếp cận đối tượng với nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là tiếp cận với các nhóm nguy cơ cao qua mạng xã hội nhằm cung cấp kiến thức, kinh nghiệm trong phòng, chống lây nhiễm HIV. Hướng dẫn, khuyến khích các nhóm đồng đẳng viên tích cực triển khai các hoạt động, tổ chức các hoạt động giao lưu, chia sẻ, tự xét nghiệm HIV, chuyển gửi khách hàng có HIV (+) đi điều trị HIV/AIDS, khách hàng có nguy cơ, HIV (-) đi điều trị PrEP,…

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động phát hiện tìm các ca nhiễm HIV, tiến hành điều trị ARV sớm. Việc điều trị ARV đóng vai trò dự phòng hiệu quả. Nếu người nhiễm HIV tuân thủ điều trị ARV tốt và đạt được ngưỡng ức chế tải lượng HIV dưới 200 bản sao/ml thì sẽ không có khả năng lây truyền HIV qua quan hệ tình dục (Không phát hiện = Không lây truyền, hay còn gọi K=K).

Để kiếm soát số người lây nhiễm trong nhóm MSM, địa phương đẩy mạnh điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) là sử dụng thuốc ARV để dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm HIV nhưng có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV, đây là hoạt động chính và là xương sống nhằm can thiệp, giảm tỷ lệ nhiễm ở nhóm MSM. PrEP có hiệu quả dự phòng lây nhiễm HIV 96-99% nếu tuân thủ điều trị tốt. Tính đến 31/7/2022 tỉnh có 3 cơ sở điều trị PrEP được đặt tại các vùng trọng điểm có đông đối tượng MSM nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận, tham gia điều trị. Số bệnh nhân đang điều trị PrEP tại tỉnh là 973 người (Trong đó nhóm MSM có 671 bệnh nhân chiếm tỷ lệ 69%).

Trên cơ sở các kết quả đã triển khai, đơn vị sẽ tiếp tục có những nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của các biện pháp can thiệp. Từ đó tiếp tục có những giải pháp và can thiệp phù hợp.

Xin ông cho biết, hiện địa phương đang gặp những khó khăn, thuận lợi gì trong công tác phòng, chống HIV/AIDS?

BS. Nguyễn Duy Minh: Công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh có rất nhiều thuận lợi, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo, triển khai các hoạt động và có sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đội ngũ cán bộ tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS từ tỉnh đến cơ sở luôn được kiện toàn, trưởng thành về nhiều mặt. Là lực lượng nòng cốt trong việc triển khai các hoạt động của chương trình trong thời gian tới…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đáng ghi nhận vẫn tồn tại những khó khăn, thách thức đòi hỏi những người làm công tác phòng chống HIV tập trung, nỗ lực giải quyết trong thời gian tới. Đó là, khả năng tiếp cận, duy trì chương trình ở một số địa bàn còn hạn chế, nhất là tại những địa phương không có dự án tài trợ. Việc triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS còn thiếu tính chủ động, các hoạt động chỉ mới tập trung trong các tháng chiến dịch truyền thông hoặc tuyên truyền về phòng chống lây nhiễm HIV cho đại diện các ban ngành, đoàn thể của địa phương.

Vẫn còn tình trạng phân biệt, kỳ thị đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS và thân nhân của họ, làm ảnh hưởng đáng kể đến khả năng tiếp cận với dịch vụ điều trị của người nhiễm HIV.

Sử dụng thẻ BHYT tại cơ sở điều trị làm lộ danh tính bệnh nhân nên tỷ lệ bệnh nhân bỏ trị, mất dấu tăng cao. Một số bệnh nhân không có giấy tờ tùy thân không sử dụng được thẻ BHYT trong khi nguồn hỗ trợ của dự án đang cắt giảm.

Hệ thống cung cấp các dịch vụ trong phòng, chống HIV/AIDS (Xét nghiệm, cung ứng thuốc, vật tư,...) dù đã được hình thành và duy trì hoạt động nhưng tính bền vững, ổn định chưa cao, dễ bị tác động, ảnh hưởng khi xảy ra các sự cố,n điển hình là trong giai đoạn xảy ra dịch bệnh Covid-19 thời gian vừa qua.

Các dự án tài trợ sẽ giảm dần sự đầu tư, hỗ trợ, đòi hỏi địa phương cần có giải pháp, bổ sung nguồn lực cần thiết để duy trì các hoạt động.

Cần chú trọng các nhóm giải pháp chuyên môn trong phòng, chống HIV/AIDS

Vậy theo ông địa phương cần những giải pháp gì để có thể đạt được các mục tiêu đề ra trong công tác phòng, chống HIV?

BS. Nguyễn Duy Minh: Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, chúng tôi chú trọng 4 giải pháp lớn, bao gồm: Công tác chỉ đạo, triển khai; công tác phối hợp liên ngành và huy động cộng đồng; nhóm giải pháp về chuyên môn; bảo đảm chế độ, chính sách trong phòng chống HIV/AIDS.

Cụ thể, đối với nhóm giải pháp về chuyên môn, thứ nhất chúng ta cần chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe về HIV/AIDS. Đó là kết hợp giữa tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS với thông tin kiến thức về HIV/AIDS và các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, các biện pháp giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV; biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình có nhiều đóng góp quan trọng cho công tác phòng, chống HIV/AIDS...

Thực hiện truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng: mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS, xây dựng và đăng tải các tin, bài, thông điệp, phóng sự tuyên truyền trên các báo điện tử, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, hệ thống truyền thanh cơ sở...

Tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS thông qua các hoạt động khác của cơ quan, tổ chức, cộng đồng và các thiết chế văn hóa cơ sở, lồng ghép trong việc học tập, giảng dạy tại cơ sở giáo dục, trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật; phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm trong các trường đại học, trung học, dạy nghề...trên địa bàn tỉnh.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống thông tin cơ sở, huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, người đứng đầu thôn, tổ dân phố, người có uy tín trong cộng đồng, người nhiễm HIV tham gia công tác truyền thông phòng chống HIV/AIDS.

Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Kịp thời biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Thứ hai, triển khai hiệu quả các hoạt động chuyên môn phòng chống HIV/AIDS. Bao gồm, triển khai rộng rãi, linh hoạt và hiệu quả các hoạt động chuyên môn trong phòng, chống HIV/AIDS như điều trị bệnh nhân HIV/AIDS bằng thuốc kháng virus HIV(ARV), xét nghiệm HIV, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con,...; Tăng cường các giải pháp trong hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, chú trọng nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV; Nâng cao chất lượng điều trị người nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại các cơ sở điều trị; Mở rộng điều trị Methadone tại các địa bàn có nhiều người nghiện ma túy, đa dạng hóa dịch vụ điều trị nghiện (cấp thuốc dài ngày cho bệnh nhân...); điều trị ARV sớm cho nhóm bệnh nhân nghiện chích ma túy khi có nhiễm HIV; triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho các nhóm có nguy cơ cao.

Bên cạnh đó, ưu tiên triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại các địa bàn, đơn vị có nguồn nguy cơ lây nhiễm HIV cao, trại giam, trại tạm giam, khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo...

Đa dạng hóa dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế, cộng đồng và tự xét nghiệm HIV. Đẩy mạnh việc kết nối các dịch vụ từ dự phòng, tư vấn, xét nghiệm đến điều trị HIV/AIDS và các hỗ trợ xã hội cần thiết khác.

Huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; phân cấp điều trị HIV/AIDS về tuyến y tế cơ sở; mở rộng chăm sóc người bệnh HIV/AIDS tại nhà và cộng đồng.

Tăng cường công tác giám sát, theo dõi, đánh giá chương trình phòng chống HIV/AIDS tại các tuyến; dự báo kịp thời tình hình dịch HIV/AIDS tại địa phương; triển khai nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và các sáng kiến mới trong phòng, chống HIV/AIDS.

Đối với giải pháp bảo đảm chế độ, chính sách trong phòng chống HIV/AIDS. Thường xuyên rà soát chính sách, cập nhật, bổ sung và ban hành cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội, cá nhân trong cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Tăng cường sử dụng bảo hiểm y tế trong khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS; tiếp tục triển khai chính sách trợ cấp xã hội cho trẻ em bị nhiễm HIV, người nhiễm HIV thuộc hộ nghèo và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.

Cuối cùng là áp dụng chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho đội ngũ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS các tuyến. Bảo đảm số lượng, chất lượng nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS từ tỉnh tới cơ sở.

Xin trân trọng cảm ơn ông!


Theo Tiengchuong.vn