Cập nhật: Chủ nhật 11/09/2022 - 08:11
Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra an toàn thực phẩm tại Siêu thị Lan Chi (TP. Thái Nguyên). Ảnh tư liệu
Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra an toàn thực phẩm tại Siêu thị Lan Chi (TP. Thái Nguyên). Ảnh tư liệu

Thống kê mới nhất cho thấy, khoảng 10 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn nào xảy ra. Tuy nhiên, vẫn có một số vụ ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ làm 9 người tử vong, nhiều trường hợp bị suy giảm sức khỏe. Nguyên do được xác định: Thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm bẩn… vẫn diễn biến phức tạp, chưa được kiểm soát triệt để.

Mấy năm gần đây, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện và tiến hành truy xuất nguồn gốc, thu hồi sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm của một số đơn vị.

Đáng chú ý là trường hợp truy xuất nguồn gốc lô hàng chè xuất khẩu vi phạm quy định an toàn thực phẩm của Doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu chè YiJiin tại huyện Định Hóa (năm 2018); thu hồi, xử lý sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới tại huyện Đông Anh (Hà Nội); thu hồi 53 sản phẩm mang thương hiệu Minh Chay của 28 khách hàng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (năm 2020)…

Lực lượng liên ngành cũng đã tổ chức kiểm tra đột xuất các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Kết quả kiểm tra cho thấy, các hành vi vi phạm chủ yếu là không đảm bảo điều kiện vệ sinh nơi chế biến thực phẩm, người chế biến không mang trang phục theo quy định, hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ… Qua đó phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 870 trường hợp liên quan đến an toàn thực phẩm.

Trong chăn nuôi, việc sử dụng chất cấm, chất kháng sinh đã được quản lý chặt chẽ hơn, ít có trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, ở một số địa phương việc giết mổ gia súc, gia cầm còn nhỏ lẻ, chưa tập trung nên khó kiểm soát theo đúng quy định. Không ít cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ thịt gia súc, gia cầm còn để xảy ra tình trạng mất an toàn thực phẩm...

Cơ quan chuyên môn chỉ ra rằng, do sản xuất nhỏ lẻ nên phần lớn cơ sở chế biến chưa chấp hành nghiêm quy định pháp luật. Việc đầu tư trang thiết bị đảm bảo vệ sinh thực phẩm của nhiều cơ sở còn khó khăn.

Trong khi đó, lực lượng quản lý về lĩnh vực này còn thiếu, chủ yếu kiêm nhiệm, nhất là ở tuyến cơ sở. Công tác thanh tra, kiểm tra còn chưa đi vào chiều sâu, vấn đề truy xuất nguồn gốc các thực phẩm kém chất lượng, chưa rõ nguồn gốc còn hạn chế, mới chỉ dừng lại ở thanh, kiểm tra chấp hành thủ tục hành chính, điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, con người.

Các sản phẩm tươi sống, phần lớn chưa có nhãn, mác, dấu hiệu nhận diện nguồn gốc xuất xứ, do vậy rất khó truy xuất, xác định nguyên nhân và xử lý vi phạm…

Thực tế trên cho thấy, vấn đề an toàn thực phẩm luôn là chủ đề “nóng” được cả xã hội quan tâm, nên cần sự chung tay vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, ngành, cùng với đó là nâng ý thức trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và của người tiêu dùng. 

Nguyễn San