Sau mỗi tình huống, cán bộ, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) hào hứng tham gia xử trí với những cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau, có cả ý kiến trái chiều, phản biện cùng với các tiết mục văn nghệ xen kẽ đã tạo không khí sôi nổi trong đơn vị. Kết thúc mỗi tình huống, chỉ huy đơn vị định hướng tư tưởng, hướng dẫn hành động giúp cán bộ ĐVTN có kỹ năng nhận diện và không để vi phạm kỷ luật xảy ra.
Chiến sĩ Bùi Quốc Huy, đoàn viên Chi đoàn Đại đội 9, Tiểu đoàn 3 bày tỏ: “Hằng tuần, chi đoàn tổ chức sinh hoạt với nhiều cách làm mới tạo hứng thú cho chúng tôi. Qua mỗi buổi sinh hoạt đã giúp chúng tôi hình thành các kỹ năng giao tiếp, biết phòng, tránh những hành vi sai trái, vi phạm kỷ luật quân đội, tích cực trong học tập, rèn luyện, công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Trong các buổi sinh hoạt, đối với chiến sĩ năm thứ hai, các chi đoàn tổ chức mô hình “Câu lạc bộ hướng nghiệp cho quân nhân”, qua đó giúp ĐVTN nhận thức rõ giá trị bản thân, có khả năng tự lựa chọn những nghề nghiệp phù hợp với năng lực và xu hướng thực tiễn hiện nay. ĐVTN trong đơn vị phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn các tỉnh phía Bắc. Để giải quyết những khó khăn trong giao tiếp của chiến sĩ, Đoàn cơ sở Trung đoàn 246 còn triển khai hiệu quả mô hình “Câu lạc bộ học tiếng dân tộc”.
Theo đó, cán bộ, đoàn viên là người dân tộc thiểu số dạy tiếng của dân tộc mình cho cán bộ, ĐVTN dân tộc Kinh, trong đó, chủ yếu là tiếng dân tộc Tày và Nùng. Thông qua sinh hoạt câu lạc bộ, cán bộ, ĐVTN hiểu thêm một ngôn ngữ mới, văn hóa mới, từ đó dễ dàng trong giao tiếp, chia sẻ những khó khăn trong sinh hoạt, công tác giữa cán bộ và chiến sĩ. Đặc biệt mô hình này giúp chiến sĩ người dân tộc thiểu số phát triển các kỹ năng giao tiếp, giúp họ tự tin và nhanh chóng thích ứng với môi trường quân sự.
Trung tá Vương Trí Quang, Phó chính ủy Trung đoàn 246 cho biết: “Các mô hình giáo dục kỹ năng sống được xây dựng, hoạt động hiệu quả ở Trung đoàn 246 cho thấy sức sáng tạo của cán bộ, ĐVTN, nhất là khi lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và cán bộ đoàn biết khơi dậy, phát huy. Thông qua các mô hình, ĐVTN có nhận thức, kỹ năng giải quyết những khó khăn, vướng mắc, giao tiếp tốt hơn, tự tin hơn. Từ đó sẽ hạn chế được những xung đột tâm lý nảy sinh trong thực tiễn sinh hoạt, học tập, công tác, góp phần xây dựng mối đoàn kết và môi trường văn hóa lành mạnh trong đơn vị”.