Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 20 mỏ đá hoạt động, với công suất khai thác hàng trăm nghìn khối mỗi năm, đáp ứng được nhu cầu xây dựng các công trình của tỉnh. Tuy nhiên, gần đây, nhiều mỏ đá phải tạm dừng hoặc hoạt động cầm chừng do thiếu vật liệu nổ.
Ông Nguyễn Văn Kính, Quản lý Mỏ đá Hang Trai 1, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ), cho biết: Khoảng 1 tháng nay, đơn vị phải đi nhập đá khối từ các mỏ ở xã Tân Long và Quang Sơn về để nghiền, chế biến đá thành phẩm để bán. Việc đi mua đá về chế biến vừa tăng chi phí mà khối lượng đá thành phẩm sản xuất được không nhiều, nhất là không chủ động được nguồn nên không dám ký hợp đồng tiêu thụ khối lượng lớn với đối tác. Nguyên nhân là do từ đầu tháng 8 đến nay đơn vị hết nguồn vật liệu nổ nên không thể khái thác đá tại Mỏ. Chúng tôi cũng đã gửi hồ sơ xin mở rộng công suất khai thác để tăng khối lượng thuốc nổ được cấp phép, nhưng chưa được.
Giống như Mở đá Hang Trai 1, hơn 3 tháng nay, Mỏ đá Đồng Phú ở xóm Làng Mới, xã Tân Long (Đồng Hỷ), cũng phải tạm dừng hoạt động, giờ chỉ còn bảo vệ trông coi thiết bị máy móc.
Ông Nguyễn Duy Hồng, Giám đốc Mỏ đá Đồng Phú, cho biết: Từ cuối tháng 5, đơn vị dừng khai thác do chưa thực hiện cắt tầng nên Sở Công Thường dừng cấp phép vật liệu nổ. Tuy nhiên, khoảng hơn 1 tháng nay, đơn vị đã thực hiện xong việc cắt tầng và gửi hồ sơ xin cơ quan chức năng tái cấp phép vật liệu nổ nhưng chưa được. .
Còn đại diện Mỏ đá Minh Hiển, xã Tân Long, phản ánh: Công suất khai thác của Mỏ là 48.000m3/năm, tương ứng được cấp 26 tấn thuốc nổ. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, việc sử dụng thuốc nổ phải căn cứ vào thực tế. Bởi có những điểm kết cấu đá rất cứng, chắc nên khi nổ mìn không đạt được sản lượng đá theo tính toán. Cụ thể: 1 tạ thuốc nổ ở những nơi kết cấu đá vừa phải thì được khoảng 2.000m2 đá, nhưng ở những nơi đá có kết cấu cứng, chắc thì chỉ được khoảng 1.000-1.500m2, vì vậy xảy ra tình trạng hao hụt mìn…
Đối với Mỏ đá Minh Hiển, lượng vật liệu nổ của đơn vị được cấp dự kiến chỉ đủ sử dụng đến hết tháng 9. Nếu hồ sơ xin mở rộng quy mô chưa được phê duyệt kịp thời thì 3 tháng cuối năm đơn vị cũng sẽ phải tạm dừng khai thác do hết vật liệu nổ.
Theo một lãnh đạo xã tân Long (Đồng Hỷ), trên địa bàn xã có 12 mỏ đá được cấp phép, trong đó có 8 mỏ hoạt động, nhưng hiện nay chỉ có 4 mỏ khai thác, còn một số mỏ đã tạm dừng, như: Mỏ đá Doanh Trí, Mỏ đá Đồng Phú và Tập Trung. Phần lớn các mỏ này dừng hoạt động do hết hạn giấy phép khai thác và hết hạn giấy phép vật liệu nổ.
Do không có vật liệu nổ nên việc sản xuất đá thành phẩm cho thị trường xây dựng gặp nhiều khó khăn. Theo đại diện Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hữu Huệ, khoảng 1 tháng nay, giá đá sản xuất bê tông tăng khoảng 30% so với trước. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có việc nhiều mỏ đá tạm dừng khai thác. Việc mua đá nguyên liệu rất khó khăn. Trước đây, chúng tôi chỉ cần ký hợp đồng mua đá của một số mỏ ở gần là đủ thì giờ phải mở rộng tìm kiếm thêm mở số mỏ ở nơi khác.
Còn ông Trương Đăng Thi, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Vân Khánh (đơn vị có trạm trộn bê tông ở huyện Định Hóa), cho biết: Trước đây, đơn vị lấy đá ở Mỏ đá Núi Chuông (Phú Lương) với giá 160 nghìn đồng/m3 (mua tại trạm bê tông), nhưng gần đây phải mua 220 nghìn/m3, nhiều lúc không có đá thành phẩm để mua…
Đại diện Sở Công Thương lý giải: Quy trình cấp phép vật liệu nổ rất chặt chẽ và phải dựa trên tính toán công suất khai thác hằng năm của mỏ đá. Sở cũng đã nắm được tình trạng nhiều mỏ tạm dừng khai thác do hết vật liệu nổ. Vì vậy, hàng tháng, Sở rà soát các mỏ sắp hết hạn giấy phép vật liệu nổ để đôn đốc khẩn trương hoàn thiện hồ sơ xin cấp mới. Tuy nhiên, một số đơn vị để đến sát ngày hết hạn mới gửi hồ sơ nên bị gián đoạn.
Theo đại diện một số mỏ đá trên địa bàn tỉnh, việc siết chặt cấp phép vật liệu nổ là cần thiết, tuy nhiên, cơ quan chức năng cần tăng cường hướng dẫn và rút ngắn thời gian cấp phép vật liệu nổ để hoạt động của các mỏ không bị gián đoạn.