Đức cũng như các nước thành viên khác trong Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị bước vào một mùa đông khắc nghiệt trong bối cảnh nguồn cung khí đốt thiên nhiên từ Nga tiếp tục gián đoạn làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng và chi phí sinh hoạt hiện nay.
Từ cuối tháng 7 vừa qua, tập đoàn dầu khí quốc gia Gazprom của Nga đã giảm nguồn cung khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 xuống mức 20% công suất, với lý do phát sinh các vấn đề trong quá trình sửa chữa các tua-bin của Siemens do lệnh trừng phạt của Canada. Theo Gazprom, lượng khí đốt của Nga xuất khẩu sang các quốc gia thành viên EU đến nay đã giảm 48%. Tổng thống Vladimir Putin (V.Pu-tin) vẫn để ngỏ khả năng Nga sẽ ngừng cung cấp dầu mỏ và khí đốt nếu các nước phương Tây áp giá trần đối với các mặt hàng năng lượng của Nga.
Cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt thời gian qua buộc Đức phải chuẩn bị các kịch bản để đối phó nguy cơ thiếu hụt nhiên liệu nghiêm trọng. Kêu gọi người dân chung tay vượt qua khủng hoảng, Thủ tướng Scholz nêu rõ, Đức đã chuẩn bị các giải pháp thay thế cho khí đốt của Nga, như xây dựng các cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng thiên nhiên (LNG) ở bờ biển phía bắc nước Đức để nhập khẩu khí hóa lỏng, tích cực triển khai các biện pháp tiết kiệm khí đốt, kéo dài hoạt động của các nhà máy điện than, nghiên cứu kéo dài hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân còn lại nếu cần thiết, cung cấp các gói hỗ trợ toàn diện cho người dân và doanh nghiệp.
Theo Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức, các cơ sở lưu trữ khí đốt của Đức hiện đã được lấp đầy khoảng 87%, đồng thời mỗi ngày khối lượng dự trữ tăng thêm khoảng 0,5%. Đức khẳng định sẽ đạt mục tiêu dự trữ 95% vào ngày 1-11 tới.
Trong nỗ lực cứu các nhà cung cấp khí đốt trong nước khỏi bờ vực phá sản, Chính phủ Đức mới đây thông báo sẽ hỗ trợ công ty khí đốt VNG đang gặp khó khăn do giá khí đốt tăng cao. Công ty này vốn đáp ứng 20% nhu cầu khí đốt của Đức, đồng thời là nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga nhiều thứ ba ở Đức, cung cấp khí đốt cho khoảng 400 công ty công nghiệp và dịch vụ trong nước. Đây là công ty năng lượng mới nhất của Đức nhận được hỗ trợ của chính phủ do tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng.
Trước đó, hồi tháng 7, công ty năng lượng Uniper, khách hàng Đức mua khí đốt của Nga nhiều nhất, cũng được giải cứu. Theo đó, chính phủ sẽ mua 30% cổ phần của Uniper trong khuôn khổ thỏa thuận hỗ trợ công ty. Tương tự, VNG cũng sẽ nhận được tiền hỗ trợ từ chính phủ. Động thái của Chính phủ Đức nhằm ngăn chặn việc các nhà cung cấp khí đốt trong nước gặp khó khăn có thể gây phản ứng dây chuyền ảnh hưởng tiêu cực đến người dân Đức.
Bên cạnh đó, Đức có kế hoạch trợ cấp mức sử dụng điện cơ bản cho hộ gia đình và dành điện giá rẻ hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, để dự phòng cho tình trạng căng thẳng nguồn cung khí đốt gia tăng và nguy cơ xảy ra khủng hoảng năng lượng, Đức đã quyết định tạm dừng việc loại bỏ nhà máy điện hạt nhân, theo đó đặt hai nhà máy điện hạt nhân Neckarwestheim và Isar 2 trong “trạng thái chờ”. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck (R.Ha-béc) cho biết, hai nhà máy này (trong số ba nhà máy điện hạt nhân còn lại của Đức) sẽ được duy trì đến giữa tháng 4/2023 để đề phòng trường hợp cần thiết.
Mặc dù cuộc khủng hoảng năng lượng ở mức nguy cấp được nhận định rất khó xảy ra, song để bảo đảm nguồn cung, nước Đức vẫn làm mọi thứ cần thiết để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, bảo đảm an ninh năng lượng, vấn đề “sống còn” đối với nền kinh tế đầu tàu châu Âu.