Chị Bùi Kim Phượng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đồng Hỷ, thông tin: Hội hiện có 18.330 hội viên, sinh hoạt tại 15 cơ sở hội và 2 đơn vị trực thuộc. Để góp phần cải thiện thu nhập, giảm nghèo cho hội viên, thời gian qua, Hội đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, trong đó, một trong những cách làm mang lại hiệu quả cao là khai thác nguồn vốn từ chương trình ủy thác với NHCSXH.
Qua đánh giá, hầu hết hội viên đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và hiệu quả để phát triển kinh tế. Nhờ vậy, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Trên địa bàn xuất hiện nhiều mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi, mô hình trồng rừng cho thu nhập cao ở các xã Văn Lăng, Văn Hán, Hợp Tiến, Nam Hòa...
Hội LHPN xã Văn Lăng là một trong những đơn vị triển khai hiệu quả phong trào Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế. Với 1.077 hội viên tham gia sinh hoạt tại 13 chi hội, Hội LHPN xã đã đẩy mạnh hỗ trợ chị em vay vốn phát triển kinh tế. Thông qua nguồn vốn vay từ NHCSXH, nhiều hội viên đã phát triển kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập.
Điển hình là chị Nguyễn Thị Sen, dân tộc Tày, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Tam Va. Vợ chồng chị có 3 người con nhưng 1 cháu bị khuyết tật, phải có người chăm sóc thường xuyên. Gia cảnh khó khăn, chồng chị Sen đi làm thuê khắp nơi nhưng thu nhập vẫn bấp bênh, kinh tế của cả nhà chỉ trông vào mấy sào chè giống cũ.
Năm 2016, chị Sen được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH. Có số vốn này, gia đình chị khai phá đất đồi, mua cây giống tốt, vật tư phân bón để trồng rừng, đồng thời đầu tư chăm sóc chè cành giống mới theo quy trình VietGAP. Nhờ nguồn thu ổn định từ cây chè và rừng, đến năm 2021, gia đình chị đã thoát nghèo. Hiện, chị Sen đang tiếp tục vay vốn NHCSXH dành cho hộ mới thoát nghèo để có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế.
Cùng với việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn, việc quản lý tốt vốn vay NHCSXH cũng được Hội LHPN huyện Đồng Hỷ chú trọng. Trong đó, Hội đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), từ đó, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế những tiêu cực nảy sinh.
Theo đó, Hội duy trì mỗi xóm có từ 1-2 tổ TK&VV. Hiện nay, số tổ TK&VV do Hội Phụ nữ huyện Đồng Hỷ quản lý là 68 tổ. Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ huyện Đồng Hỷ đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và chính quyền địa phương thường xuyên tiến hành sắp xếp, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong quản lý vốn.
Hằng quý, Hội phối hợp với NHCSXH huyện Đồng Hỷ tiến hành bình xét, phân loại chất lượng tổ TK&VV để kịp thời phát hiện và xử lý những vướng mắc xảy ra trong quá trình quản lý và sử dụng vốn tại tổ, hạn chế đến mức tối đa các hoạt động không hiệu quả. Bên cạnh đó, khâu kiểm tra, giám sát cũng được coi trọng nhằm nâng cao chất lượng quản lý và sử dụng nguồn vốn vay NHCSXH.
Chị Trần Thị Thảo, Chủ tịch Hội LHPN xã Nam Hòa cho biết: Trong vòng 30 ngày kể từ khi NHCSXH tiến hành giải ngân, cán bộ Hội sẽ phối hợp với tổ TK&VV đến kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn của các hộ dân theo tháng, quý hoặc đột xuất. Nếu phát hiện hộ nào sử dụng vốn không đúng mục đích, chúng tôi sẽ báo Ngân hàng và lãnh đạo xã để có phương án xử lý phù hợp.
Bằng các giải pháp linh hoạt, quyết liệt, đến nay, qua đánh giá, hầu hết các hộ vay vốn chính sách do các cấp hội phụ nữ huyện Đồng Hỷ quản lý đều sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả cao. Trong đó, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, có thu nhập ổn định. Riêng năm 2021, toàn huyện có 40 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được giúp đỡ thoát nghèo.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Hội LHPN huyện Đồng Hỷ tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn và giúp đỡ hội viên nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Qua đó, góp phần vào công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.